Kinh nghiệm ứng phó với ngập úng tại Cần Thơ

04/07/2019 10:51

(TN&MT) - Để ứng phó với tình trạng ngập úng tại khu vực nội thị, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai tổng hợp các giải pháp để chống ngập trên địa bàn thành phố.

Anh 2 Ho Bun Xang
Hồ Bún Xáng có vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng ngập úng khu vực đô thị Cần Thơ

Ngập úng xảy ra thường xuyên

Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, trước đây, lũ và triều cường chủ yếu tác động đến vùng sản xuất nông nghiệp của TP. Cần Thơ, tuy vậy, nhưng từ năm 2007, đỉnh lũ cao đã bắt đầu tác động đến khu vực đô thị của thành phố, gây ngập úng cho nhiều tuyến đường. Đến năm 2011, khi mực nước lên 2,15m, TP. Cần Thơ có tổng cộng 56 điểm bị ngập. Nghiêm trọng nhất là vào ngày 10/10/2018, mực nước cao nhất trên sông Hậu là 2,23m (đỉnh lũ lịch sử) đã tác động rất lớn đến khu vực đô thị của TP. Cần Thơ, nhất là ở quận Ninh Kiều với tổng cộng 107 điểm ngập nước.

Trong đó, có 14 tuyến đường như Mậu Thân, Phạm Ngũ Lão, 30/4, Trần Văn Hoài ngập sâu từ 0,1 - 0,65m, thời gian ngập từ 2 - 4 tiếng giờ đã ảnh hướng lớn đến đời sống sinh hoạt, giao thông đi lại của người dân. Không chỉ bị ngập do lũ hay triều cường mà nhiều tuyến đường tại khu vực nội thị TP. Cần Thơ còn bị ngập chỉ sau một cơn mưa lớn. Điển hình như vào sáng 28/6/2019, sau một cơn mưa lớn kéo dài khoảng hơn 1 tiếng đã làm cho tuyến đường 30/4, đường Trần Văn Hoài bị ngập, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. 

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng trong thời gian qua như sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu, hạ tầng ký thuật xuống cấp, trong đó nguyên nhân căn cơ nhất dẫn đến việc ngập nghẹt xảy ra trên địa bàn thành phố là do hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng, nhiều kênh, rạch bị sạt lở, ngập nghẹt do bồi lắng, lấn chiếm xây dựng, rác thải, vì vậy tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên.

Thực hiện tổng hợp các giải pháp

Để giải quyết tình trạng ngập lụt cho khu vực nội thị, TP. Cần Thơ đang triển khai tổng hợp các giải pháp công trình và phi công trình. Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự Dự án ODA TP. Cần Thơ cho rằng, thời gian qua, từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Thành thành phố đã triển khai dự án nâng cấp, cải tạo hàng trăm tuyến đường, hẽm góp phần nâng cao năng lực ứng phó ngập úng cho các khu vực trung tâm.

“Bên cạnh đó, hiện nay, Ban Quản lý dự Dự án ODA đang tập trung thi công hồ Bún Xáng và các tuyến đường, hẻm kết nối xung quanh. Với diện tích 12,6ha mặt nước, Hồ Bún Xáng khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường, trữ nước và thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố” - ông Huỳnh Thanh Sử thông tin.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết thêm: “Khi Dự án hồ Bún Xáng hoàn thành sẽ giúp TP. Cần Thơ kiểm soát ngập cho trên 2.657ha thuộc vùng lõi các quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy bằng việc đầu tư trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ và trên 03km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác như âu thuyền, cống ngăn triều, van ngăn triều và các trạm bơm để giảm ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm thành phố”.

Song song với giải pháp công trình, TP. Cần Thơ cũng rất chú trọng thực hiện giải pháp mềm như khôi phục lại các tuyến kênh, rạch bị ngập nghẹt, sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để tạo khu trữ, điều tiết nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn và giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn thành phố.

Theo ngành chức năng TP. Cần Thơ, từ năm 2006 đến nay, bằng các khoản hỗ trợ và vay tín dụng đã giúp thành phố triển khai khôi phục lại được nhiều tuyến kênh, rạch có chức năng lưu trữ nước mưa tạm thời và kênh thoát nước chính khi các cống ngăn triều đóng lại như rạch Cái Khế - rạch Ngỗng, rạch Bà Bộ- rạch Hàng Bàng, rạch Đầu Sấu. Các tuyến kênh, rạch nhỏ còn lại nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều như rạch Mương Củi, rạch Bà Lễ, rạch Ngã Bát, rạch Xẻo Nhum cũng được cải tạo để tăng dung tích chứa nước và điều kiện thoát nước cho từng khu vực dân cư nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm ứng phó với ngập úng tại Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO