Kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Hùng - Tuyết Chinh | 04/12/2020, 14:20

(TN&MT) - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, sáng nay (4/12), các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đến từ miền núi phía Bắc với 30 dân tộc cùng chung sống, đại biểu Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái - nơi cửa ngõ Tây Bắc, với tổng diện tích đất tự nhiên 6.886,28 km2, có 81 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 55,5% dân số toàn tỉnh.

Là địa phương có miền núi địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, đời sống nhân dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn… tỉnh Yên Bái luôn xác định xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ủy ban Dân tộc trao quà tặng đại diện các thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số chúc mừng Đại hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo ông Trần Huy Tuấn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh; nhiều chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới đã được ban hành. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2019/NQ-HĐND ngày 29/11/2019 quy định về mức thưởng của tỉnh đối với các xã, thôn (bản) trong xây dựng nông thôn mới năm 2019 và năm 2020.

Đến nay, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ,.. được tu sửa, xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống vật nuôi.. do đó, đời sống của người dân được nâng lên; tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trừng sinh thái được cải thiện bảo vệ.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 71/150 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn); có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 2/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019, trong đó huyện Trấn Yên vinh dự là huyện đầu tiên trong khu vực Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh xuống cơ sở. Trong đó, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bên cạnh phát triển kinh tế, bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc. Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước bởi bản sắc văn hóa đặc trưng độc đáo. Đây là nơi hội tụ của cộng đồng 49 dân tộc anh em sinh sống, nền văn hóa tỉnh Đắk Lắk khá đa dạng với nhiều sắc màu, ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại chỗ Êđê, M’nông, Jrai, còn có sự hiện diện văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc, Bắc Trung Bộ cho đến các dân tộc vùng Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Ảnh: Chinhphu.vn

Chia sẻ tại Đại hội, đại biểu Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động đã được xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả, được cộng đồng các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tham gia.

Tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cấp phát 151 bộ chiêng và 283 bộ trang phục truyền thống cho cộng đồng và học sinh, sinh viên ở các buôn làng và một số trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tổ chức truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên, cho học sinh, sinh viên, dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân trẻ. Song song với các hoạt động truyền dạy và diễn tấu cồng chiêng, tỉnh còn đầu tư nhiều kinh phí để tổ chức sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Hàng năm, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar... tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, H’mông..., âm hưởng của những bản tình ca Tây Bắc, các làn điệu hát then, hát lượn...mang bản sắc của vùng cao Tây Bắc đã vang vọng núi rừng Tây Nguyên. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch được tập trung triển khai. Các di tích như Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA đã được trùng tu, tôn tạo và đưa vào hoạt động…

Tuy nhiên, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, văn hóa và lối sống hiện đại, các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng như không gian nhà dài, không gian bến nước, không gian nương rẫy, không gian rừng... đang thay đổi nhanh chóng, có nguy cơ mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Để hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung trong thời gian đến thực sự có hiệu quả, đại biểu Y Biêr Niê cho rằng, cần thực hiện những giải pháp thiết thực.

Theo đại biểu Y Biêr Niê, cần xác định công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa mỗi địa phương, là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, trong đó đồng bào các dân tộc là trung tâm, là chủ thể của mọi hoạt động. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thể chế hóa việc phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa truyền thống.

Đồng thời, gắn kết chiến lược giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần thực hiện có tính chiến lược lâu dài, có lộ trình cụ thể, phương pháp khoa học, cách thức phù hợp, đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, tránh bệnh hình thức, thành tích.

“Trước những thay đổi từng ngày từng giờ trong thời đại công nghệ 4.0, để bản sắc văn hóa các dân tộc song hành tồn tại, phát triển cùng với văn hóa hiện đại, đòi hỏi trong hoạt động bảo tồn cần nghiên cứu tổng thể, chắt lọc những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất của văn hóa các dân tộc phù hợp với bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước", đại biểu Y Biêr Niê đề xuất.

Vận động đồng bào tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng.

Bàn về vấn đề này, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng nêu rõ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và tình hình thực tiễn của địa bàn khu vực biên giới, bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể của địa phương tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; các đồn Biên phòng trực tiếp giúp địa phương triển khai thực hiện hàng trăm dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Lực lượng Công an, Quân đội phối hợp tuần tra bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ảnh: CAND

Đến nay, đã thành lập được 1.587 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 14.822 tổ tự quản an ninh trật tự, tạo nên một “lá chắn thép”, một “phên dậu lòng dân”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trong những năm tới, để vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn cho biết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phải tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở KVBG.

Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn; phân công đảng viên đồn Biên phòng tham gia cấp ủy huyện, xã biên giới; tham mưu cho địa phương triển khai các chính sách về công tác dân tộc; tiếp tục cử đảng viên tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản biên giới và phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình, chú trọng quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở KVBG.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các nội dung, chính sách về công tác dân tộc và dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới; tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân vững chắc.

“Tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp công tác Biên phòng, nắm chắc tình hình địa bàn; định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG để đề xuất với Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ chế chính sách chăm lo cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới”, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO