Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nhiều kết quả ấn tượng
Năm năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc |
Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bàn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Vùng DTTS và MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện ở vùng DTTS và MN (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt, tỷ lệ người đủ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, trung học cơ sở tăng 9%, trung học phổ thông tăng 14,7%. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, phát triển; vừa qua đã góp phần cùng với cả nước kiểm soát, phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19, tạo nên hình ảnh một Việt Nam đoàn kết, thông minh, sáng tạo, nhân ái, được bạn bè thế giới nể phục.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu sốđạt được kết quả rõ nét hơn. Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đạt kết quả tốt. 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đa dạng của người dân. Đã phát sóng được 22 thứ tiếng dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền. Hàng triệu tờ báo được cấp không thu tiền, góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Trong 5 năm tới (2021 - 2025), các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hướng tới định hướng chiến lược “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực. Tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Bảo đảm và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi”.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: Đổi mới tư duy, giảm nghèo từng năm theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”
Cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào DTTS, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi, đó là: địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; đồng bào dân tộc còn nhiều hủ tục, tập quán, thói quen canh tác lạc hậu; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kết quả giảm nghèo của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ qua đã đạt được kết quả rất tích cực. Hết năm 2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04%; cả giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,03%/năm; riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước
Để có được kết quả này, nhiệm kỳ qua Yên Bái đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong từng năm theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.
Tỉnh ủy giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố; đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ từ 20 - 50 hộ nghèo/năm (có địa chỉ cụ thể) tại các xã đặc biệt khó khăn mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó được phân công hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên. Từ đó mang lại hiệu quả rất rõ nét.
Đồng chí A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum: Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum đã giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020.
Đồng chí A Pớt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum |
Công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn và phát huy; trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, truyền thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hoàn thiện và nâng cao.
Để thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Quan tâm đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: Tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng diện tích 3,94 triệu ha, dân số 17,5 triệu người (trong đó là đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số toàn vùng; chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 85,71% tổng dân số là người DTTS trong vùng - Pv). Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu cả nước...
Đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre |
ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Nhưng hiện các tỉnh khu vực BĐSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước do đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn phát triển 2021 - 2030 và các thời kỳ tiếp theo, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học - công nghệ làm nền tảng. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra.
Rất mong các Bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, từ đó, cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu.