Kinh doanh bền vững: Cần thay đổi tư duy người đứng đầu

Thanh Tùng (thực hiện)| 12/10/2021 11:02

(TN&MT) - Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là một xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần nhiều yếu tố, mà trước tiên là sự thay đổi trong tư duy người đứng đầu doanh nghiệp.

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết,  những năm qua, các doanh nhân Việt Nam đã thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và  đạt được những kết quả nổi bật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh:

Kết quả nổi bật đầu tiên tôi muốn nhắc đến là sự thay đổi đáng kể trong tư duy kinh doanh và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nước ta về phát triển bền vững. Từ “kinh doanh vì lợi nhuận”, trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh sang kinh doanh có trách nhiệm. Điều này phần nào được thể hiện rõ thông qua sự tham dự và hưởng ứng của doanh nghiệp trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam - sáng kiến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát động và phối hợp thực hiện cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ năm 2016. Liên tiếp qua các năm, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình đều có xu hướng tăng lên, bên cạnh những gương mặt quen thuộc, Chương trình cũng đón nhận sự tham gia của nhiều gương mặt mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cùng với sự thay đổi đó, các doanh nghiệp đã đóng góp rất tích cực vào lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, cả về nhân lực, vật lực và tài lực.

Tuy nhiên, về tổng quan, theo Báo cáo quốc gia đánh giá tiến độ sau 5 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững, Việt Nam khó có khả năng hoàn thành tốt mục tiêu Phát triển bền vững số 12 về “đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững” đến năm 2030. Do đó cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.

PV: Hướng đến mục tiêu thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, các doanh nhân có vai trò như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh:

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, có nguồn lực rất dồi dào, cả về nhân lực, trí lực, vật lực và tài lực để đóng góp cho những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh của quốc gia. Cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ một cách hiệu quả.

Để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ. Ảnh minh họa

Thứ hai, với sự năng động, sáng tạo của mình, doanh nghiệp đang thể hiện rõ hơn vai trò tiên phong, định hình xu hướng tiêu dùng bền vững của cộng đồng thông qua hoạt động sản xuất và kinh doanh bền vững. Khi doanh nghiệp loại bỏ và thay thế những sản phẩm, dịch vụ không mang tính bền vững bằng những sản phẩm, dịch vụ “xanh” trong chuỗi giá trị của mình, người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng lựa chọn và sử dụng “lối sống xanh” đó. Với sự tác động qua lại đó, dần dần chúng ta sẽ đến gần hơn mới mục tiêu 12 “đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Đây cũng chính là ý nghĩa của “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn”.

PV: Thưa ông, trong mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, các doanh nhân có thể gặp phải những khó khăn, thách thức ra sao và họ cần làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Ông Nguyễn Quang Vinh:

Theo tôi, khó khăn đầu tiên chính là ở tư duy kinh doanh của người lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ khi thực sự chuyển mình trong tư duy, quyết tâm lựa chọn và theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững thì các doanh nhân mới có thể đặt câu hỏi tiếp theo “làm thế nào để tạo ra giá trị bền vững?”.

Một doanh nghiệp kinh doanh bền vững cần có một nền tảng quản trị bền vững. Khi đó, chúng tôi khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham khảo và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) vào công tác xây dựng chiến lược và quản trị doanh nghiệp, để có thể sớm nhận ra những lỗ hổng trong vận hành doanh nghiệp và kịp thời nắm bắt những cơ hội chưa được khai thác triệt để từ thế mạnh của doanh nghiệp.

Theo Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam, sau 5 năm thực hiện, nhận định đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt 5/17 mục tiêu (1 về xóa nghèo, 2 về xóa đói, 4 về giáo dục có chất lượng, 13 về các hành động bảo vệ khí hậu, 17 về quan hệ đối tác toàn cầu). Tuy nhiên, có tới 10 mục tiêu gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành và có 2 mục tiêu sẽ rất khó đạt vào năm 2030 (mục tiêu số 12 về đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương biển và nguồn lợi biển).

Để thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ làm thay đổi rất nhiều cục diện của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều những thách thức mới trong đảm bảo nguồn vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Theo tôi, để có thể ứng phó với những thách thức chưa từng có trong tiền lệ đó, chúng ta cũng sẽ cần có những giải pháp chưa từng có trong tiền lệ. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần đưa ra những gói hỗ trợ, giải pháp kịp thời và hiệu quả để tháo gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp. Ví dụ để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp rất cần một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ, bởi đây là một mô hình ưu việt nhưng cũng rất mới ngay cả trên thế giới, cùng những hỗ trợ mạnh về tài chính và những chính sách có thể giúp xây dựng những hệ sinh thái tuần hoàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh bền vững: Cần thay đổi tư duy người đứng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO