Kiến trúc độc đáo của Vương cung Thánh đường lớn nhất Đông Nam Á tại Nam Định

Việt Linh | 30/06/2021, 07:31

(TN&MT) - Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội – nhà thờ Phú Nhai (xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được biết đến là một trong những nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á với kiến trúc Gothic nước Pháp. Nhà thờ Phú Nhai là biểu tượng văn hoá nổi tiếng của xứ đạo Nam Định.

Lần mở những trang sách sử mới hay, đồng bào Công giáo Bùi Chu là cộng đồng được “đón tin mừng” từ rất sớm. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm 1555 đã có người Tây Dương là Y-nê-khu đến các xã Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (thuộc địa bàn Giáo phận Bùi Chu ngày nay) truyền giáo đạo Gia Tô, được giáo sử Công giáo ghi nhận là hoạt động truyền giáo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam. Lịch sử cũng chép rằng, những huyện ven biển của Nam Định đều là những vùng đất mới, được hình thành từ công cuộc quai đê, lấn biển. Trong công cuộc ấy, đồng bào lương-giáo nơi đây đã chung sức, đồng lòng “trị thủy”, đối mặt, chống chọi với bão gió. Từ đó mở đất, lập nên những xóm làng, xứ đạo trù phú như ngày nay, chung sống thuận hòa, gắn kết.

Nhắc đến Nam Định, phải nhắc đến Giáo phận Bùi Chu, là một trong 26 Giáo phận trên cả nước. Diện tích Giáo phận nằm trọn trong địa bàn 6 huyện phía Nam sông Đào của tỉnh Nam Định, được biết đến là Giáo phận có số lượng giáo dân, giáo xứ đông, riêng giáo dân chiếm khoảng 25% dân số của tỉnh. Nhiều xã ven biển thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng gần như toàn tòng Công giáo, cứ vài cây số vuông lại có một nhà thờ sừng sững, uy nghi. 

 

Nói về những nhà thờ sừng sững, uy nghi tại tỉnh Nam Định thì không thể không nhắc tới Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (hay còn gọi là Nhà thờ Phú Nhai, Đền Thánh Phú Nhai) là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Roma thuộc Giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. 

 

Nhà thờ Phú Nhai mang đậm kiến trúc Gothic với những mái vòm nhọn đặc trưng. Thuở ban đầu, nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Với chiều dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét, 2 tháp chuông cao 44m được đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng lần lượt là: 2 tấn – 1.2 tấn – 0.6 tấn và 0.1 tấn. Nhà thờ Phú Nhai được mệnh danh là Thánh đường lớn nhất Đông Nam Á. 

 

Nhà thờ Phú Nhai được xây dựng lại trên một khu đất rộng 2.160m2. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy thấp thoáng các gian mái chính và mái nhỏ tạo nên sự uy nghi, cổ kính cho nhà thờ. Trước đó, nhà thờ Phú Nhai được tạo dựng bằng gỗ, lợp bồi do linh mục Chính xứ Emmanuel Rianô Hòa cho xây dựng vào năm 1866. 

 

Năm 1881, Giám mục Hòa cùng linh mục Barquerô Ninh tái thiết nhà thờ theo kiến trúc Á Đông với hai tháp chuông. Đến năm 1916, nhà thờ được Giám mục Phêrô Munagôri Trung và linh mục Morênô xây dựng lại lần ba theo Kiến trúc Gothic. Sau 6 năm, nhà thờ Phú Nhai được khánh thành nhưng sau đó bị cơn bão lớn tàn phá nặng nề vào năm 1929. 

 

Sau nhiều biến cố lịch sử, nhà thờ này được xây dựng lại, hoàn thành và xức dầu cung hiến thánh đường vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8 tháng 12 năm 1933. 

 

Năm 2008, Đền thánh Phú Nhai được nâng lên thành Tiểu Vương cung Thánh đường (Minor Basilica) bởi lịch sử lâu đời và lối kiến trúc cổ kính lâu năm của nhà thờ này. 

 

Đây chính là một trong 4 nhà thờ lớn tại Việt Nam được nâng lên bậc tiểu Vương cung thánh đường xứ Phú Nhai. 

Bài liên quan
  • Giáo xứ Minh Thanh sống xanh, xây dựng xứ đạo bình yên
    (TN&MT) - Bà con công giáo thuộc Giáo xứ Minh Thanh tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) luôn phát huy tinh thần “sống tốt đời đẹp đạo”, nâng cao công tác giữ gìn môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu vực nhà thờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Người Dao Thanh Phán phát triển du lịch tại Bình Liêu, Quảng Ninh
(TN&MT) - Bình Liêu là huyện biên giới ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 km đường biên giới với Trung Quốc. Nơi đây có tới gần 96% đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 sau Tày và Sán Chỉ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO