Kiểm soát túi ni lông và nhựa dùng một lần: Cần giải pháp tổng hợp từ đầu đến cuối nguồn

Tuyết Chinh| 20/12/2019 15:00

(TN&MT) - Để kiểm soát, hạn chế túi ni lông và chất thải nhựa dùng một lần trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả không thể chỉ có những cách làm đứt đoạn mà cần tổng hợp các giải pháp từ đầu nguồn đến cuối nguồn.

Sáng 20/12, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực truyến với chủ đề “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp”.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm

Nhựa chiếm 16,5% rác thải sinh hoạt

Trao đổi tại Hội thảo, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường & Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt. Là đơn vị được giao quản lý, xử lý rác tại bãi rác Xuân Sơn và Nam Sơn, qua các số liệu thống kê có thể thấy khối lượng rác đổ về bãi ngày càng tăng.

Theo ông Đức, từ năm 2000 tới nay, tỷ lệ nhựa trong rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố tăng từ dưới 10%/năm lên 16,5%/năm, không những thế còn có sự đa dạng về các chủng loại.

Liên quan đến vấn đề rác thải, ông Đức cung cấp một thông tin mà xã hội quan tâm đó là vấn đề “người dân nhặt rác”. Mỗi ngày có khoảng 350 người dân nhặt rác trên bãi Nam Sơn; đây là hoạt động tự phát, có thời điểm cao điểm xấp xỉ 800 người. Những người này họ phân loại và tái chế hoàn toàn do yêu cầu của thị trường.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc URENCO trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi tọa đàm

Nhận định tình trạng người nhặt rác là một vấn đề xã hội, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt, song do tính chất của vấn đề xã hội nên hiện rất khó. Do vậy, đơn vị quản lý bằng cách đặt ra các quy định như quy định giờ vào bãi (3 - 6 giờ sáng); hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ (ủng, găng tay...), nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình người dân nhặt rác ở trên bãi.

“Mặc dù vậy, chúng tôi hi vọng sẽ có giải pháp để chấm dứt triệt để tình trạng người dân nhặt rác trên bãi”, ông Đức nói. Đối với vấn đề quản lý, xử lý rác thải, ông Đức cho rằng phải phân loại ngay từ nguồn. Việc xử lý tại bãi chỉ là xử lý phần ngọn của vấn đề.

Hiện URENCO đã đầu tư 2 dây chuyền để tái chế, công suất 30 tấn/1 ngày. Dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hợp tác với một tập đoàn của Nhật Bản để tái chế rác thành viên chất đốt, đưa ra tiêu thị trên thị trường.

“Với sự vào cuộc tích của TP Hà Nội, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, năm 2020, URENCO sẽ thực hiện quản lý rác thải theo hướng “tiếp cận từng bước từ nguồn”, ông Phạm Văn Đức cho biết thêm.

Cần đồng bộ từ “đầu đến cuối nguồn”

Muốn kiểm soát và hạn chế túi ni lông và chất thải nhựa một lần đòi hỏi những giải pháp tổng hợp từ đầu đến cuối nguồn, GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết, để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.

GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) trao đổi tại tọa đàm

“Hiện nay, túi nilon dung 1 lần hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng).

Hay từ tháng 4/2019, Chính phủ Campuchia cũng bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 Riel (khoảng 2.300 đồng) cho 1 túi nilon. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam.

Một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi nilon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea. Tại châu Âu, dự kiến bắt đầu từ năm 2021, 10 sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa, tăm bông hay que gài bóng bay sẽ bị cấm sử dụng”, GS.TS Đặng Kim Chi thông tin.

 Khẳng định không thể đánh đổi kinh tế với chất lượng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. GS.TS Đặng Kim Chi đề cập đến giải pháp mang tính tổng hợp kĩ thuật. Ví dụ như giải pháp 3R, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, và 5R từ không dùng, đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và cuối cùng là huỷ bỏ có kĩ thuật, an toàn.

“Những giải pháp kĩ thuật công nghệ này không khó và hoàn toàn có thể áp dụng được. Chúng ta cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc khắc phục nhược điểm khó phân huỷ của nhựa”, GS.TS Đặng Kim Chi đề xuất.

Coi rác thải nhựa là nguyên liệu mới

Theo bà Chi, chúng ta cần đầu tư và tạo điều kiện đầu tư vào công nghệ tái chế cơ học, thực ra công nghệ này đã có từ những năm 70, thế giới đã tạo ra sản phẩm sau tái chế sử dụng được, như bàn ghế, áo mưa, giàn giáo... nhưng quá trình tái chế này lại dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong quá trình làm sạch hoặc nhiệt để thay đổi thành phần.

Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào các biện pháp, coi rác thải nhựa như nguyên liệu mới, chẳng hạn như là nguồn nhiệt cấp năng lượng cho nhà máy phát nhiệt, xi măng, và giảm tiêu thu nguyên liệu thông thường. Ngoải ra, các nghiên cứu khoa học trên thế giới và ngay ở Việt Nam cũng đang nghiên cứu tìm ra sản phẩm thay thế nhựa khó phân huỷ và sử dụng một lần.

Trong đó, nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa đã bước đầu thành công nghiên cứu nhựa có thể phân huỷ hoàn toàn ra Co2 và nước, tiến tới sẽ có đề tài hỗ trợ hoàn thành và nhân rộng dự án. Tôi rất mừng các nhà khoa học Việt Nam đã bước đầu quan tâm đến sản phẩm thay thế nhựa, hoặc nghiên cứu các sản phẩm khác thay thế như từ gỗ, tre, nứa…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Bà Chi cũng đánh giá, việc tuyên truyền và thay thế sử dụng nhựa bằng lá chuối, lá rong ở siêu thị, một phần giúp tạo ý thức cho người dân, nhưng sẽ không bền vững, bởi không phải vùng nào cũng cung cấp được số lượng lớn sản phẩm thay thế nhựa, bởi Việt Nam dùng rất nhiều nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

“Do đó, cần tiến tới nghiên cứu sản phẩm thay thế có tính chất như nhựa, nhưng phân huỷ nhanh trong môi trường tự nhiên. Điều này đòi hòi sự nỗ lực từ các nhà khoa học và sự hỗ trợ của nhà nước”, bà Chi nhấn mạnh.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Nhận định cần thiết phải thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để kiểm soát và hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần, PGS.TS Đặng Kim Chi cho hay,  thực chất “kinh tế tuần hoàn” chính là mô hình vườn ao chuồng, không vứt bỏ bất cứ điều gì trong các sản phẩm thải bỏ, và đều tận dụng trở lại trong quá trình sản xuất.

Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm 3 giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, nhưng kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Bà Chi cho rằng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp hiểu đơn giản là việc tích cực đổi mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu hao năng lượng và sử dụng các nguyên nhiên vật liệu để có sản phẩm đầu ra đủ khả năng tái chế. Tức là phải chọn nguyên liệu có thể tái chế được hoặc sinh ra những vật liệu, nguyên liệu mới.

Còn đối với người tiêu dùng, ngoài việc hạn chế sử dụng các vật dụng, bao bì đóng gói liên quan tới nhựa cũng cần thay đổi hành vi và thói quen, thậm chí cần có thái độ kiên quyết loại bỏ sản phẩm khó phân huỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát túi ni lông và nhựa dùng một lần: Cần giải pháp tổng hợp từ đầu đến cuối nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO