Kiểm kê khí nhà kính: Xác định rõ các nguồn phát thải

Hải Đăng| 28/09/2021 11:11

(TN&MT) - Để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiến hành kiểm kê khí nhà kính hai năm một lần.

Việc kiểm kê khí nhà kính nhằm xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định của điều ước quốc tế có liên quan với mục tiêu phát triển kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững của quốc gia.

Giao thông là một trong những lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Hoàng Minh

Từ 2021, Việt Nam bắt buộc phải giảm phát thải kính nhà kính

Theo Thỏa thuận Paris, Nghị định thư Kyoto mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2021, Việt Nam có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm khí nhà kính. Để thực hiện nghĩa vụ này, các quốc gia phải xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện của quốc gia. Thực hiện yêu cầu này, các quốc gia thường mất nhiều năm để giám sát được hầu hết các nguồn phát thải chủ yếu.

Giai đoạn trước năm 2021, Việt Nam chưa phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc nhưng đã triển khai các chính sách, hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, do chưa phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính, công tác quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn một số bất cập. Có thể kể đến như việc kiểm kê khí nhà kính chưa đồng bộ, mới thực hiện ở cấp quốc gia, hoặc các dự án đơn lẻ khi có sự hỗ trợ của quốc tế.

Chính vì chưa kiểm kê tổng thể nên trách nhiệm của các cơ sở phát thải trong việc triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa rõ ràng, minh bạch. Nhận thức của từng doanh nghiệp, cơ sở cũng như cộng đồng, người dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính. Đây là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, xác định mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn; xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức, phát triển thị trường các-bon với sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Việc kiểm kê khí nhà kính nhằm xác định rõ các nguồn phát thải hàng năm. Ảnh: Hoàng Minh

5 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính

Bộ TN&MT đang lấy ý kiến của nhân dân với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2022. Theo đó, 5 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính là thuộc các ngành: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng.

Theo Dự thảo, Danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Bên cạnh đó, một số trường hợp khác dự kiến cũng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 trở lên...

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, đề xuất chưa quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) do thực tế các cơ sở chăn nuôi chỉ chiếm 5,85% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia và chủ yếu là hộ gia đình. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải có trách nhiệm tham gia kiểm kê khí nhà kính quốc gia, lĩnh vực.

Theo Dự thảo Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, sẽ có 2.165 cơ sở có nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính. Trong đó có 69 cơ sở thuộc ngành TN&MT, 183 thuộc ngành xây dựng, 89 cơ sở thuộc ngành Giao thông Vận tải và nhiều nhất là ngành Công Thương với 1.824 cơ sở thuộc 13 lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm kê khí nhà kính: Xác định rõ các nguồn phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO