Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ô dôn

14/09/2018 17:49

(TN&MT) - Doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi công nghệ sử dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ tầng ô dôn và tiết kiệm năng lượng, nhưng cần có thêm các hỗ trợ về cơ chế chính sách và tài chính trong thời gian tới. Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi Tọa đàm về tác động đến kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC của Nghị định thư Monteal.

Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội ngày 14/9, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô dôn tại Việt Nam do Bộ TN&MT tổ chức. Tham dự có bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành Ban thư ký ô dôn quốc tế; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (bộ TN&MT); bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cùng đại diện Chương trình môi trường Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, các tổ chức quốc tế UNIDO, GIZ, CLASP, các chuyên gia và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí tại Việt Nam.

anh 1
Các diễn giả tham gia tọa đàm
 

Đẩy nhanh phê chuẩn Sửa đổi bổ sung Kigali

Việt Nam đang trong quá trình phê chuẩn bản sửa đổi bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC của nghị định thư Montreal. Bản sửa đổi nhấn mạnh việc các quốc gia thành viên của Nghị định thư Montreal cần kiểm soát, loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô dôn và có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao, mà đối tượng chịu tác động chủ yếu là các đơn vị làm lạnh và điều hòa không khí đang sử dụng HCFC và HFC.

Đến nay, đã có 46 quốc gia phê chuẩn và đủ điều kiện để Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Các nước đang phát triển sẽ bắt đầu loại trừ các chất HFC từ năm 2029 và từ năm 2045 trở đi chỉ còn 20% lượng tiêu thụ ở mức cơ sở. Nếu phê chuẩn, Việt Nam sẽ đóng góp giảm phát thải tương ứng là hơn 6 triệu tấn CO2 tương đương.

Một nghiên cứu mới đây của Bộ TN&MT về tác động của Sửa đổi bổ sung Kigali đến kinh tế - xã hội Việt Nam cho thấy, việc sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp nhờ hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước có yêu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường. Các hoạt động giảm phát thải cũng đáp ứng sự quan tâm của xã hội về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa hiện tượng nóng lên toàn cầu; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo chuẩn ISO 26000, còn người tiêu dùng hưởng lợi từ các sảm phẩm điện lạnh tiết kiệm năng lượng. Quá trình này cũng thúc đẩy chiến lược sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và hòa nhập với xu thế toàn cầu.

anh 2
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại buổi tọa đàm

Qua khảo sát thu thập thông tin trong tháng 7/2017 đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có đến 55% số doanh nghiệp khảo sát sẵn sàng chuyển đổi công nghệ theo quy định, 33% đồng ý chuyển đổi nếu được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn kỹ thuật. Theo TS Lê Hoàng Lan – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường, điều đó cho thấy việc việc loại trừ dần việc sản xuất, tiêu thụ (kể cả nhập khẩu) các chất HFC không phải là quá sức với các doanh nghiệp. Sự tham gia và ủng hộ của giới doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của việc thực hiện thỏa thuận Kigali ở Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh việc ký phê chuẩn Sửa đổi bổ sung Kigali nhằm tăng cường quản lý phát thải HFC. Theo Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường, việc loại trừ và thay thế HFC là phù hợp với mục tiêu quốc gia về bảo tồn năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho thực hiện cam kết của chính phủ Việt Nam khi tham gia Thoả thuận Paris về BĐKH, đó là đến năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí kính quốc gia, và có thể lên tới 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về giá đối với công nghệ sử dụng chất thay thế HFC, ưu tiên các nhà nhập khẩu thiết bị không sử dụng HFC và liên kết, phối hợp với các Quỹ đa phương cung cấp hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, chính sách mua sắm công cũng có thể ưu tiên lựa chọn các thiết bị không sử dụng HFC trong khu vực công…

Liên kết quốc tế để cùng đạt được các mục tiêu

Trao đổi về các cơ hội mà Kigali đem lại,  bà Tina Birmpili cho rằng, Chính phủ các nước cần đoàn kết để đưa ra quyết định, giải quyết thách thức gặp phải ở cấp quốc gia các tế. Chúng ta có nghiên cứu về các chất phá hủy tầng ô dôn, tác động tới sức khỏe con người, kinh tế - xã hội, những thách thức nội hàm và tác động bên ngoài đối với các kế hoạch hành động. Ban Thư ký ô dôn luôn là cầu nối cho 197 nước thành viên và các tổ chức khu vực cùng chia kinh nghiệm, thảo luận về cách thức đạt được các mục tiêu trong lộ trình thực hiện Nghị đinh thư Montreal về bảo vệ tầng ô dôn.

Việc phê chuẩn Bản sửa đổi bổ sung Kigali cũng giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các quỹ quốc tế, không chỉ để có hỗ trợ tài chính mà còn thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Đây là cơ hội khẳng định các cam kết quốc gia và nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như tăng khả năng cạnh tranh khi sớm đón đầu xu thế thị trường giảm phát thải.

img 7837
Các đại biểu đặt câu hỏi cho diễn giả

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, việc kiểm soát và loại trừ dần HFC hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật và có tính bắt buộc. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lồng ghép với việc chuyển đổi công nghệ sản xuất hiệu quả và tiết kiệm lượng theo các quy định của Bộ Công Thương để tiết kiệm chi phí đầu tư dây chuyền công nghệ. Cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia giai đoạn mới. Thay vì tập trung hỗ trợ kỹ thuật như trước, Bộ sẽ chú trọng vào hỗ trợ tài chính, thiết lập quỹ và hỗ trợ cơ sở sản xuất về dây chuyền công nghệ mới. Bên cạnh đó, đưa thêm các sản phẩm điều hòa và làm lạnh công nghiệp vào diện dán nhãn năng lượng trong thời gian tới.

Đại diện doanh nghiệp tham gia tọa đàm, ông Đinh Hoàng Chương, Công ty TNHH Kỹ thuật lạnh Phương Nam chia sẻ, khi tìm kiếm hỗ trợ đổi mới hoàn toàn công nghệ, doanh nghiệp đã cải tạo dây chuyền cấp đông truyền thống và hiệu quả là đã giảm khoảng 800 kg môi chất lạnh HFC so với trước. Việc cải tạo không khó và dù chưa thể loại bỏ hoàn toàn HFC, doanh nghiệp vẫn có thể góp phần vào nỗ lực giảm phát thải chung.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Viraj Vithoontien chia sẻ, Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về các rủi ro của môi chất lạnh thay thế đối với người tiêu dùng và các kỹ thuật viên. Các môi chất lạnh thay thế thường có tính cháy, tính nổ hoặc cả 2. Bởi vậy, công tác đào tạo về ứng dụng kỹ thuật sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cần được tăng cường, làm sao để song hành cả bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng. Chính người tiêu dùng cũng cần được tuyên truyền và phải có yêu cầu cao hơn với bên cung cấp thiết bị điện lạnh.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi và thảo luận về nỗ lực của Việt Nam trong triển khai nghị định thư Montreal, các thách thức và giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia chuyển đổi công nghệ, các hoạt động hỗ trợ phê duyệt Sửa đổi bổ sung Kigali...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ô dôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO