Không thể chần chừ được nữa

Việt Hải| 04/11/2021 09:02

(TN&MT) - COP26 đang “nóng” lên cùng những cam kết, sáng kiến của các thành viên tham gia khiến người ta có quyền hy vọng về một mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng nghĩa với tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu nếu các cam kết và sáng kiến đưa ra được thực hiện.

Trong số 142 quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết của Việt Nam tại COP26 được quốc tế kỳ vọng và đánh giá rất cao.

Nhìn lại Báo cáo lần thứ 6 của Ban Liên Chính phủ công bố vừa qua cho thấy, Báo cáo là một cảnh báo không khoan nhượng trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH) với những kịch bản nguy cấp về một tình thế không thể kéo ngược, đảo chiều nếu các quốc gia chậm trễ trong xử lý các vấn đề liên quan đến BĐKH và đẩy nó đến bờ vực của hành động nhiều hơn là sự đe dọa. Mức cảnh báo có thể sẽ còn tăng lên trước yêu cầu các quốc gia trên thế giới tăng tốc phục hồi kinh tế sau đại dịch nếu sự phục hồi này không theo xu hướng thân thiện tự nhiên, kịch bản xấu về mức độ gia tăng BĐKH sẽ có thể càng tồi tệ hơn.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh và tình thế nguy cấp đưa ra, cam kết của Việt Nam đã thực sự gây chú ý và hoàn toàn có cơ sở để thế giới đặt niềm tin. Sở dĩ, cam kết đã đề cập một cách không che giấu tình trạng BĐKH tại Việt Nam những năm gần đây về mức độ, tốc độ gia tăng cũng như tính bất thường. Cùng với hàm lượng khoa học trong vấn đề giải pháp; cam kết còn được đặc biệt ràng buộc bởi hai yếu tố: Đạo đức và tính cố kết trong chương trình hành động.

Bản cam kết của Việt Nam nhấn mạnh quyết tâm ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn trách nhiệm, đạo đức cao nhất của các tổ chức, cá nhân. Định hướng hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, con đường đến mục tiêu đó trong tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.

Dẫn “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối tương quan giữa đoàn kết và thành công trong lịch sử Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định, ứng phó với BĐKH là câu chuyện không của riêng quốc gia nào; không một quốc gia, dân tộc nào có thể làm riêng lẻ được, vì vậy tất cả phải đoàn kết lại cùng thực hiện mục tiêu chung. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý của thời đại, có giá trị trong mọi hoàn cảnh và trở thành khí chất Việt Nam, phẩm chất Việt Nam trong con mắt của bạn bè thế giới.

Là quốc gia dễ bị tổn thương và tổn thương nặng nề trước tác động của BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH diễn ra tại Việt Nam đã và đang tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống, y tế và sức khỏe cộng đồng, làm gia tăng tất cả các chỉ số rủi ro do BĐKH gây ra, trong đó phải kể đến tỷ lệ tử vong. Trong khi chúng ta không chỉ đối mặt giải quyết hàng loạt các vấn đề trong nước, giải pháp và hành động còn bao gồm các vấn đề liên quốc gia. Và bên cạnh mọi nỗ lực thì nguồn nhân lực và nhận thức về BĐKH vẫn còn quá nhiều thiếu thốn và hạn chế, sự phối hợp, tính đồng nhất giữa các lĩnh vực cũng như giữa các cơ quan Trung ương và địa phương chưa cao.

Cam kết đặt ra cho chúng ta trọng trách lớn, cam kết cũng đồng thời khơi dậy niềm tin, mở ra cơ hội cho chúng ta tiếp cận được với tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Như mũi tên đã bay khỏi cung tên, giờ đây ứng phó với BĐKH không còn là câu chuyện giữa chúng ta với chúng ta mà đã trở thành trách nhiệm, niềm tin trước thế giới. Và như vậy, cam kết càng đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay, không thể chần chừ được nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể chần chừ được nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO