Không quy định cụ thể về hạn mức đất cụ thể cho cơ sở tôn giáo

Trường Giang | 30/09/2021, 15:27

(TN&MT) - Luật Đất đai 2013 không quy định cụ thể về hạn mức đất cụ thể cho cơ sở tôn giáo mà giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để xác định hạn mức giao đất phi nông nghiệp cho cơ sở tôn giáo cho phù hợp.

Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị, theo quy định tại Điều 25, Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ không quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế, cơ sở tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế, cơ sở tôn giáo còn gặp khó khăn do tổ chức kinh tế, cơ sở tôn giáo sử dụng đất với diện tích vượt trên 30 ha. Đề nghị bổ sung Bộ TN&MT quy định chi tiết hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế, cơ sở tôn giáo.

Chùa Tây Ninh - Linh Sơn Phước Trung ở Tây Ninh.

Trả lời cử tri tỉnh Tây Ninh về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Điều 25 và Điều 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất. Đây là các trường hợp đang sử dụng đất, có nguồn gốc sử dụng đất rõ ràng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên nay phải làm thủ tục đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đối với các trường hợp cử tri phản ánh cần rà soát lại diện tích sử dụng của từng tổ chức, cơ sở tôn giáo để cấp Giấy chứng nhận theo quy định nên pháp luật không quy định về hạn mức sử dụng đất. 

Đối với trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất mới thì phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư để xem xét quyết định việc giao đất, cho thuê đất. Đối với cơ sở tôn giáo thì theo quy định tại khoản 5 Điều 54 của Luật đất đai năm 2013, nhà nước không giao đất nông nghiệp mà chỉ giao đất phi nông nghiệp cho cơ sở tôn giáo.

Luật đất đai không quy định cụ thể về hạn mức đất cụ thể cho cơ sở tôn giáo mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để xác định hạn mức giao đất phi nông nghiệp cho cơ sở tôn giáo cho phù hợp.

Đối với trường hợp cụ thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như phản ánh của cử tri, đang sử dụng đất vượt trên 30 ha cần căn cứ vào hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất do địa phương quản lý để giải quyết. Vì vậy, đề nghị cử tri phản ánh đến Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cần căn cứ quy định tại Điều 25 và Điều 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP để xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất ổn định.

Cụ thể, theo điều 28 Nghị định 43 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng quy định: Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo UBND cấp tỉnh theo các nội dung sau đây: Tổng diện tích đất đang sử dụng; Diện tích đất cơ sở tôn giáo phân theo từng nguồn gốc: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tự tạo lập; nguồn gốc khác; Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê; Diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm.

Chùa Tây Ninh - Phước Lưu nhộn nhịp khách thăm viếng dịp đầu năm (Ảnh: sưu tầm).

Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật đất đai;UBND cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây: Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;

Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này và có đủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 102 của Luật Đất đai thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.

Trường hợp đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01/ 7/2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO