Không để đứt gãy nguồn cung than cho sản xuất điện, phân bón

Phương Hà| 05/03/2023 07:07

(TN&MT) - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); các Tổng công ty: Phát điện 1, Phát điện 2, Phát điện 3 - CTCP, Điện lực - TKV, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Đông Bắc; các Công ty: TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm.

01.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ tri buổi làm việc

Tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung than

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp đã báo cáo về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm năm 2022; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023.

Các kiến nghị đã được Bộ trưởng lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.

Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón - hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.

Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm. Theo đó, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng hoảng 38,52 triệu tấn, 2 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.

Ước thực hiện 2 tháng đầu năm than thương phẩm sản xuất 8,34 triệu tấn, đạt 14,42% kế hoạch năm, than tiêu thụ khoảng 8,69 triệu tấn, đạt 15,25% kế hoạch năm. Trong đó than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn đạt 15,76% kế hoạch năm, than cấp cho phân bón - hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn, đạt 17,2% kế hoạch năm.

02.jpg

Không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc sản xuất, nhập khẩu và cung cấp than cho sản xuất điện, đạm thời gian qua, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện và đạm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hết sức dị biệt thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào của các ngành sản xuất tăng cao.

Để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than, nhà máy đạm thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn (TKV, EVN, Petrovietnam), các tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung.

Các đơn vị thực hiện nghiêm túc các cam kết tại hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, đạm đã ký; tích cực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, lưu ý các thị trường xuất khẩu than tiềm năng...

Các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than cần chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tập trung tháo gỡ các vấn đề về vướng mắc giữa các doanh nghiệp cung cấp than với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đạm, trong đó nêu rõ nội dung cần thực hiện, tiến độ thực hiện và đơn vị chủ trì thực hiện; đồng thời, giao các cục, vụ thuộc Bộ nghiên cứu kỹ các kiến nghị, rà soát các quy định hiện hành, phát hiện, sửa đổi các bất cập và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bộ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất các đơn vị, đảm bảo giám sát thực hiện đúng theo kế hoạch, tiến độ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để đứt gãy nguồn cung than cho sản xuất điện, phân bón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO