Khói thuốc lá phá sức khỏe hại môi trường

23/05/2019 15:26

(TN&MT) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn Chủ đề Ngày Thế giới không khói thuốc lá 31/5: “Thuốc lá và các bệnh về phổi” kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời để giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Bo TNMT hung ung
Cần những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá

Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó, bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Cuộc chiến chống thuốc lá đã đến hồi không khoan nhượng. Từ một thói quen phổ biến, “biểu tượng” của trầm lắng - suy ngẫm và hoạt động trí tuệ, hút thuốc đã trở thành có hại, bị đa số lên án, cách ly và ruồng bỏ. Thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới, không dừng ở đó, khói thuốc lá ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Nguy hại tới môi trường sống

Trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 hóa chất, trong đó, ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố. Đó là Aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, Amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết…

Các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Italy cho hay, khói thuốc "sản xuất" ra nhiều hạt muội - yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người - hơn cả khói Diesel. Những người hút thuốc có lẽ không biết rằng, lượng chất độc họ tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Aberdeen (Scotland) đã đo nồng độ các phần tử trong không khí như bụi và các chất có trong khói thuốc lá của gần 100 hộ gia đình có người hút thuốc lá và gần 20 hộ gia đình sống lành mạnh. Kết quả so sánh cho thấy nồng độ của các chất gây ô nhiễm ở các hộ có người hút thuốc lá cao hơn gấp 10 lần khi so với các hộ gia đình sống không có khói thuốc lá. Nếu tính trung bình, những người sống trong môi trường có khói thuốc lá phải tiếp xúc với các chất độc hại cao hơn gấp 3 lần so với giới hạn tiếp xúc theo quy định của WHO.

 Ước tính, nếu một hộ gia đình có người hút thuốc, sau đó, cai nghiện để trở thành hộ gia đình không khói thuốc lá sẽ cắt giảm được 70% các chất ô nhiễm hít vào. Điều này thật sự có ý nghĩa cho những hộ gia đình có trẻ em hay người cao tuổi.

Hủy hoại sức khỏe nghiêm trọng

Theo WHO, trên thế giới sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; 90 trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo tính toán của các nhà khoa học, 2/3 số khói thuốc được lan tỏa ra môi trường mà không vào phổi người hút. Ước tính, cứ 10 người hút thuốc tử vong, cũng có một người bị tử vong do hít khói thuốc thụ động. WHO cho biết, trong khói thuốc lá có chứa hàng nghìn chất hóa học khác nhau, trong đó, có 40 chất độc hại, 20 chất đặc biệt độc hại, ảnh hưởng đến hô hấp, làm chết lớp niêm mạc, hấp thụ vào máu hoặc hòa tan vào nước bọt. Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do phải “hút thuốc lá thụ động” là vợ, con, người thân trong gia đình, đồng nghiệp của người có hút thuốc.

WHO cảnh báo, Việt Nam có khoảng 47% nam giới trưởng thành hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà gần 60% và tại nơi làm việc 42%; có 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá, tương đương 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc. Người hút thuốc lá không chỉ tự gây hại cho mình mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong bệnh tật và thương tích ở Việt Nam mà một trong nhưng nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

 Tọa đàm khoa học: “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá?” do Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội, BS. Nguyễn Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khói thuốc lá phá sức khỏe hại môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO