Xã hội

Khởi sắc kinh tế vùng biên Lộc Ninh

Thục Vy 12/11/2021 20:39

(TN&MT) - Bình Phước là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Nhờ đó, kinh tế của đồng bào DTTS đã cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

bp-1.jpg
Chăn nuôi bò đã giúp nhiều hộ gia đình DTTS ở huyện Lộc Ninh thoát nghèo.

Tại “thủ phủ” hồ tiêu huyện biên giới Lộc Ninh, phần lớn bà con dựa vào cây tiêu làm mô hình kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây giá hồ tiêu “lao dốc” đã ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của bà con. Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều hộ gia đình DTTS đã thay đổi phương thức sản xuất, thay vì chỉ phụ thuộc vào việc trồng hồ tiêu, kết hợp với làm thuê làm mướn như trước đây.

Điển hình như hộ gia đình anh Điểu Nghiêm, dân tộc S’tiêng ở xã Lộc Phú (huyện Lộc Ninh), vốn là một trong những hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo của xã, giờ đây đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Anh Điểu Nghiêm cho biết, nhiều năm qua, kinh tế gia đình anh chỉ phụ thuộc vào vườn tiêu 500 nọc nên rất bấp bênh. Ngoài bị rớt giá, thì việc nguồn nước tưới luôn thiếu vào mùa hè cũng khiến vườn tiêu của anh Điểu Nghiêm thường xuyên bị mất mùa. Năm 2019, vợ chồng anh quyết định tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương với nguồn vốn vay 20 triệu đồng để mua 4 con dê giống. Nhờ đó, gia đình anh Nghiêm đã tìm được hướng thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh đang có 11 con dê đang sinh trưởng phát triển tốt, chưa kể số dê đã bán để có tiền chi tiêu trong gia đình.

Ngoài việc việc được nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, gia đình anh Điểu Nghiêm còn được cấp 2 con bò giống từ Chương trình 135. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lộc Ninh tạo điều kiện cho gia đình anh vay hơn 60 triệu đồng để xây hệ thống nước sạch vệ sinh môi trường và mở rộng gia tăng sản xuất. Nhờ đó, hai vợ chồng nhà nông Điểu Nghiêm tạo dựng được mô hình kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo, không còn phải đi làm thuê liên tục như trước kia.

Không chỉ huyện biên giới Lộc Ninh, đời sống của đồng bào DTTS ở các huyện biên giới Bù Đốp, Bù Gia Mập cũng đang dần khởi sắc. Người dân được hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như: quýt đường, bưởi da xanh, ổi, bơ, dừa, xoài... Song song với hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, người dân cũng được hỗ trợ để xây dựng các công trình nước sạch như đào giếng, lắp hệ thống nước máy, trang bị hệ thống bơm tưới… Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình vùng biên giới Bình Phước phát triển khá đa dạng hơn.

bp-2.jpg
Đời sống của đồng bào DTTS các huyện biên giới tỉnh Bình Phước đã được cải thiện đáng kể.

Theo ông Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS, đặc biệt là những bà con đồng bào trên địa bàn vùng sâu vùng xa biên giới, từng bước thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, chính sách của Trung ương, cũng như địa phương. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế cho bà con đồng bào như: tiếp cận vay vốn, mua sắm nông cụ sản xuất, trao con giống, cây giống… Từ đó, bà con có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, Bình Phước đã thực hiện bước đầu thành công chương trình giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra. Tính riêng năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 719 căn nhà đại đoàn kết, với tổng trị giá khoảng 57,52 tỷ đồng cho 8 huyện, thị xã. Trong đó, dự kiến hỗ trợ chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS sẽ xây dựng 451 căn nhà. Ngoài ra, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 190/511 nhà vệ sinh; 220/574 hộ có nhu cầu nước sinh hoạt; hỗ trợ kéo điện cho 20/413 hộ; vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 146/192 hộ; tạo việc làm cho 782/1.629 nhu cầu…

Cũng theo ông Lý Trọng Nhân, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn một số khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, trong giai đoạn 2020 - 2025, Bình Phước sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc kinh tế vùng biên Lộc Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO