Khơi nguồn từ sức dân

Dương Công Hợp| 09/01/2015 12:43

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Bình, cò địa phương đã chạm đích ngoạn mục và cũng có những địa phương đang từng bước chinh phục các tiêu chí khó bằng chính sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng chung sức của chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, bài học khơi nguồn sức dân của huyện miền núi nghèo khó Tuyên Hóa là một điển hình.

Theo ông Nguyễn Quốc Út - Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây đựng NTM Quảng Bình thì Tuyên Hóa là địa phương khó khăn nhất trong quá trình bắt tay vào xây dựng NTM. Bởi lẽ, ở ngay kề “sát nách” Tuyên Hóa, tuy cũng nghèo nhưng huyện Minh Hóa còn được sự “nâng đỡ”, đãi ngộ của các chương trình, dự án từ chính sách của Nhà nước, vì đây là “huyện 30a”.

19.jpg
Vùng núi Tuyên Hóa còn nhiều cách trở

Huyện nghèo thì dân cũng nghèo. Vậy, sức dân ở đâu và huy động như thế nào? ông Hoàng Minh Đề. Chủ tịch UBND huyện cho hay, điều cốt yếu nằm ở công tác tuyên truyền và sự đồng lòng chung sức của người dân và chính quyền. Trong quá trình tổ chức thực hiện, quan điểm của Ban chỉ đạo huyện là luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm, mọi việc làm, mọi nội dung đều hướng đến lợi ích của dân, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”

Trong 19 tiêu chí, huyện cũng nêu rõ tiêu chí nào sẽ được Nhà nước đầu tư kinh phí để làm, tiêu chí nào Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiêu chí nào là trách nhiệm của nguời dân.

Như thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa, mội trong những điểm sáng về sức dân của huyện miền núi này. Từ trung tâm xã Phong Hóa muốn sang được thôn Mã Thuợng phải vượt sông Gianh bằng đò ngang. Ông Trưởng thôn Phạm Ngọc Thưởu tâm sự: "Bấy lâu nay, dân chúng tôi cứ mong ngóng đường cho ra đường, chứ đừng quanh năm, mưa lấm bùn, nắng lội đá, vất vả trăm bề. Đường phải rộng rãi, phong quang và sạch sẽ chứ. Mà muốn được vậy, thì phải mở rộng. Lựa chọn tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn của huyện coi như một cú hích trong phong trào xây dựng NTM, đã chạm đến ước mong bấy lâu của người dân chúng tôi. Nhưng mở rộng bằng cách nào? Tiền đâu để bồi thường, trong khi đến quá nửa hộ dân là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhiều cuộc họp dân diễn ra, băng rôn, truyền thanh mở suốt ngày. Rồi những nút thắt đó cũng được cởi bỏ. Ý tưởng hiến đất, hiến tài sản được đưa ra. Chỉ sau hơn 1 năm, hơn 5km đường nội thôn đã được giải phóng mặt bằng theo đúng tiêu chuẩn".

Để động viên thành tích hiến đất, hiến cây, giải phóng mặt bằng, UBND huyện Tuyên Hóa thưởng nóng 100 tấn xi măng và UBND xã Phong Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng làm đường bê tông cho thôn Mã Thượng.

18.jpg

Nhân dân xã Phong Hóa đóng góp ngày công làm đường bê-tông.

Hiện nay UBND huyện đang chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và đặc biệt phải tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Với thôn Mã Thượng, hiện có hơn 300 hộ (với trên 1.000 nhân khẩu), nhưng chỉ có 25ha đất trồng lúa và 50ha rừng trồng, đồng cỏ không có nên dù muốn phát triển chăn nuôi trâu bò cũng chịu.

Khuyến khích chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn. Khi có sự hỗ trợ của dự án trồng cỏ theo hướng công nghiệp, thôn Mã Thượng đã chú động chuyển đổi gần 15ha đất sản xuất cỏ trồng chăn nuôi trâu bò. Từ khi chủ động được nguồn thức ăn, đàn trâu bò trong thôn tăng lên đều đều, đến nay tổng đàn đã gần 300 con. Đây có thể sẽ là hướng đi mới và lâu dài để người dân ở dày thoát nghèo một cách bền vững.

Có lẽ cái lý do “dài” và “chậm” trong lộ trình tiến tới đạt được 19 tiêu chí trong xây dựng NTM theo như lời ông Chủ tịch huyện là một thực tế. Nhưng, dường như đang có một bước chuyển mình mới mẻ trong đời sống và nhận thức của người dân nơi đây. Và minh chứng cho điều này là từ chỗ có nhiều xã “trắng” về các tiêu chí, đến nay Tuyên Hóa không có xã nào đạt dưới 4 tiêu chí, số xã đạt từ 7 đến 10 tiêu chí tăng từ 2 xã lên 13 xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn từ sức dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO