Khoanh vùng bảo vệ loài cá sống trong rạn san hô

01/04/2014 00:00

(TN&MT) - Hầu hết các rạn san hô ven bờ đều là nơi cư trú lý tưởng cho các loài cá khi tới kỳ sinh nở.

(TN&MT) - Hầu hết các rạn san hô ven bờ đều là nơi cư trú lý tưởng cho các loài cá khi tới kỳ sinh nở. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhu cầu khai thác thuỷ sản tăng cao cộng với trào lưu chơi san hô đã đẩy những khu vực này nằm trong tình trạng báo động đỏ.
   
  Để bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, nhóm nghiên cứu đứng đầu là TS. Nguyễn Văn Quân cùng các cộng sự của Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã tiến hành thực hiện đề tài Khoanh vùng các bãi đẻ của nhóm cá rạn san hô tại một số khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ (trọng tâm là các khu bảo tồn biển) theo hướng tiếp cận hệ sinh thái một cách bền vững.
   
Mất san hô, tiệt đường thuỷ sản
   
  Theo kết quả sơ bộ đợt khảo sát do nhóm Công tác Tiểu ban San hô của dự án Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tiến hành, Việt Nam có khoảng 1.222km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, diện tích lớn nhất và tính đa dạng sinh học cao ở miền Trung và miền Nam.
   
  Các nghiên cứu về san hô đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn tại vùng Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận, và Côn Đảo. Theo các nhà khoa học, với số loài san hô đã được phát hiện, có thể khẳng định nhóm các loài san hô của Việt Nam vào loại đa dạng nhất thế giới.
   
Rạn san hô ven bờ là nơi cư trú cho các loài cá khi tới kỳ sinh nở. Ảnh: M.H
    
   
  TS Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học VN nhận định: Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Những cây san hô được bày bán khắp các trung tâm du lịch biển Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... với sự phong phú về chủng loại, màu sắc. Thật là nghịch lý, ở Nha Trang, khi các nhà khoa học của Viện Hải dương học đang ngày đêm nghiên cứu vai trò của san hô với sinh thái biển, tìm cách bảo vệ nó thì ngay trước cổng Viện, các cửa hàng bày bán la liệt san hô.
   
  San hô không chỉ mất đi do bị khai thác mà còn do ô nhiễm môi trường. Thảm hoạ đối với san hô không chỉ xảy ra ở vùng biển miền Trung mà cả tại Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới. "Sau cuộc khảo sát san hô ở Vịnh Hạ Long, buồn lắm. Không còn gì để nói. San hô chết hết bao gồm cả mới lẫn cũ. Mới chết xương còn trắng. Cũ bị rong phủ gần hết", tiến sĩ Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển, Đội trưởng Đội Cảnh sát ngầm (Viện Tài nguyên Môi trường biển) cho biết.
   
  Những rạn san hô chết và mất dần đã và đang đẩy nhiều loài cá quý trên vùng biển Việt Nam vào thế “tuyệt chủng” bởi theo các nhà nghiên cứu hải dương học, các rạn san hô là nơi trú ngụ của hơn 4.000 loài cá nhiệt đới hoặc cá chuyên sống trong rạn san hô có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn như các loài cá mú , cá hồng , cá hè, cá trích, cá cơm…
   
Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt
   
  Để có cơ sở khoa học cho việc khoanh vùng, bảo tồn loài trong các khu vực san hô biển ven bờ các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu đánh giá các yếu tố tự nhiên và môi trường liên quan đến việc hình thành các bãi đẻ của cá rạn san hô trong một số khu bảo tồn biển trọng điểm (Hải Vân - Sơn Chà, Thừa Thiên Huế và vịnh Nha Trang – Khánh Hòa); điều tra tập tính sinh học sinh sản của các nhóm cá rạn san hô tại các bãi đẻ; khoanh vùng các bãi đẻ của cá rạn san hô tại khu vực nghiên cứu; điều tra, đánh giá và phân tích các yếu tố tác động từ hoạt động tự nhiên và con người đến sự tồn tại của các bãi đẻ và nghiên cứu một số giải pháp quản lý các bãi đẻ của cá rạn san hô, nhằm duy trì và phát triển bền vững nguồn lợi tự nhiên tại các khu bảo tồn biển.
   
  Thời qua, tập thể tác giả tham gia đề tài đã triển khai 6 chuyến khảo sát thực địa thu thập mẫu vật và tư liệu tại hai địa điểm nghiên cứu (Hải Vân - Sơn Chà và vịnh Nha Trang) để đảm bảo tính chất đại diện cho các mùa trong năm. Trải qua 2 năm nghiên cứu, đề tài đã đánh giá tổng thể các điều kiện tự nhiên và môi trường để hình thành các bãi đẻ của nhóm cá rạn san hô tại hai khu bảo tồn này thông qua việc nghiên cứu về thành phần giống loài đàn cá bố mẹ tham gia vào quá trình sinh sản, điều kiện về nơi ở và nguồn cung cấp thức ăn cho ấu trùng cá. Ngoài việc xác định các nhân tố mang tính chất dẫn dụ cá bố mẹ tập trung sinh sản tại các bãi đẻ, đề tài còn xác định được mùa sinh sản của cá rạn san hô vào các tháng mùa khô trong năm với 7 bãi đẻ đã được khoanh vùng nằm trong phạm vi của hai khu mũi Bãi Dê, Đông Bắc đảo Hòn Tre thuộc  khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và Hải Vân – Sơn Trà thuộc Thừa Thiên – Huế.
   
  Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thiết lập các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Các bãi đẻ của cá rạn san hô là một trong những chỉ số sinh thái cực kỳ quan trọng để phân khu chức năng quản lý khu bảo tồn, đồng thời là cơ sở quan trọng xác định diện tích các vùng lõi của khu bảo tồn biển. Các kết quả nghiên cứu về tập tính sinh học của đàn cá bố mẹ, mùa vụ sinh sản sẽ giúp cho các nhà quản lý khu bảo tồn hoặc các cơ quan chức năng chuyên ngành thủy sản quy hoạch được vùng cấm/hạn chế khai thác trong các tháng nhất định trong năm, nhằm tạo điều kiện cho nguồn lợi tự nhiên có thời gian tái tạo, nâng cao sản lượng đánh bắt của nghề khai thác cá ven bờ.
   
K.Liên
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoanh vùng bảo vệ loài cá sống trong rạn san hô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO