Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản tại Ninh Thuận đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp

Mai Đan| 16/09/2022 12:55

(TN&MT) - Sáng 16/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

img_1083(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã khoanh định 1 khu vực titan sa khoáng Phước Dinh, có diện tích 88ha, tài nguyên dự trữ 19 nghìn tấn, mức sâu dự trữ từ trên mặt đến 0m, thời gian dự trữ 70 năm. Việc khoanh định khu vực này vào khu dự trữ khoáng sản quốc gia theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 904/TTg-CN ngày 14/7/2020.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh khu vực khoáng sản titan Mũi Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (diện tích 88 ha) ra khỏi Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013, đồng thời giao Bộ TN&MT cập nhật, bổ sung diện tích khu vực này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đề nghị không đưa khu vực 88ha tại Mũi Dinh vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Ông Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giải thích, khu vực này nằm sát mép bờ biển, hàm lượng quặng rất nghèo, tài nguyên nhỏ, hiệu quả khai thác tại khu vực này đối với phát triển kinh tế của tỉnh không đáng kể. Hơn nữa, khu vực này nằm trong dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark và dự án công viên công cộng, là dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt.

Đối với phần diện tích titan các khu vực còn lại, trong tổng số 4.257 ha còn lại được Quy hoạch titan trên địa bàn tỉnh (trừ phần diện tích 88 ha nêu trên), UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị đưa toàn bộ diện tích này ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản titan. Đồng thời, tỉnh đề xuất không đưa vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 394,7 ha, gồm khu vực không đủ điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác do vướng nghĩa trang, khu nuôi trồng thủy sản, dân cư: 303 ha, chưa cấp phép thăm dò, khai thác và khu vực đã cấp phép khai thác và hiện đã khai thác hết trữ lượng và giấy phép đã chấm dứt hiệu lực với diện tích 91,7 ha.

Ngoài ra, tỉnh đề xuất bổ sung vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 3.862 ha, thời gian dự trữ 70 năm, gồm: khu vực chưa được cấp phép thăm dò 676,3 ha (khu vực này Bộ Công Thương dự kiến đưa vào Quy hoạch khoáng sản khi có sự đồng thuận của UBND tỉnh); khu vực đã được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng (2 Giấy phép) 1.020,5 ha; khu vực đã được Bộ TN&MT cấp phép khai thác (2 Giấy phép) 2.165,5 ha.

img_1024(1).jpg
Ông Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị không đưa khu vực 88ha tại Mũi Dinh vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Đối với khu vực 88 ha tại Mũi Dinh, xã Phước Dinh, huyện Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhất trí với quan điểm của UBND tỉnh Ninh Thuận là không đưa khu vực này vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo Thứ trưởng, khu vực này có tài nguyên nhỏ, khai thác ven biển ít hiệu quả, nằm trong hành lang bảo vệ vùng bờ, do đó, không phù hợp dự trữ lâu dài, trong Tờ trình trình Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ quốc gia, Bộ TN&MT sẽ bổ sung giải trình làm rõ.

Đối với phần diện tích titan các khu vực còn lại, cụ thể với các diện tích chưa cấp phép thăm dò hoặc đã cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng nhưng không tiếp tục thực hiện khai thác, các doanh nghiệp được cấp phép đã thống nhất việc dừng thực hiện các dự án titan để chuyển đổi sang đầu tư dự án phát triển kinh tế khác và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất đưa vào khu vực dự trữ.

img_1104(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Thứ trưởng đề nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Bộ Công thương để điều chỉnh đưa khu vực này ra ngoài Quy hoạch, Bộ TN&MT sẽ xem xét bổ sung vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa ra khỏi Quy hoạch khoáng sản và cho phép bổ sung vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh cần tính toán, xem xét về đề xuất thời gian dự trữ đối với các khu vực cụ thể, không đưa toàn bộ vào dự trữ 70 năm.

Đối với diện tích đã cấp phép khai thác, đến nay, 2 doanh nghiệp chưa đồng thuận việc trả lại giấy phép khai thác để Bộ Công Thương có thể điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch để Bộ TN&MT bổ sung vào khu vực dự trữ. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì giải quyết các vấn đề có liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, đảm bảo không để xảy ra khiếu kiện. Bộ TN&MT sẽ xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc trên và trên cơ sở hồ sơ trả lại giấy phép (nếu có) đảm bảo theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản tại Ninh Thuận đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO