Khoa học Địa lý Việt Nam trong chiến lược đổi mới, hội nhập và phát triển

01/11/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 1/11, tại TP.HCM, Hội Địa lý Việt Nam phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Hội Địa lý TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc...

   
(TN&MT) - Ngày 1/11, tại TP.HCM, Hội Địa lý Việt Nam phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Hội Địa lý TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ VIII, với chủ đề: “Khoa học Địa lý Việt Nam trong chiến lược đổi mới và phát triển”.
   
Trận lũ lịch sử trên lưu vực sông Koon vào cuối năm 2013
đã gây sạt lở nghiêm trọng tại huyện Tây Sơn, Bình Định 
   
  Tham dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Cao Huần - Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, PGS.TS Tạ Đức Vịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD -  ĐT), PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Hội Địa lý Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, PGS.TS Đặng Văn Phan - Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM cùng đại diện các ban, ngành Trung ương và các trường đại học trong và ngoài nước.
   
  Phát biểu tại Hội nghị GS.TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam khẳng định, địa lý học hiện đại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội các vùng lãnh thổ bằng những phương pháp truyền thống mà đã có những nghiên cứu chuyên sâu bằng các phương pháp chuyên ngành hiện đại, các phương pháp đa ngành và liên ngành mang tính ứng dụng cao. Hiệu quả của những công trình nghiên cứu đã được xã hội thừa nhận, tạo nên vị thế của khoa học Địa lý so với các ngành khoa học khác. Các nhà khoa học Địa lý đã thực hiện thành công và có hiệu quả về kinh tế - xã hội hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên – môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên môi trường và các vùng lãnh thổ, các lưu vực sông...
   
  Thông qua hội nghị, các đại biểu đã trình bày các báo cáo liên quan đến chủ đề địa lý tự nhiên, tài nguyên và môi trường, địa lý biển đảo, địa lý kinh tế - xã hội, điạ lý quân sự như: đánh giá độ phì tự nhiên của đất bazan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bằng hệ thống phân loại độ phì tiềm năng FCC, tài nguyên vị thế các đảo ven bờ biển Bắc Bộ; nhận thức về đất đai trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; một số mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ; ứng dụng chỉ số chất lượng nước và tương quan hồi quy đánh giá chất lượng nước dưới đất trên địa bàn thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai); đề xuất mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông khu vực Tây Nguyên; đánh giá các nhân tố gây lũ lịch sử vào cuối năm 2013 trên lưu vực sông Kôn (tỉnh Bình Định)... Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 2/11.
                                                                                                                                                          Tin & ảnh: Thục Vy
           
                                                                                                                                                                             
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học Địa lý Việt Nam trong chiến lược đổi mới, hội nhập và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO