Khổ như hít thở

Phương Anh| 22/09/2022 10:14

(TN&MT) - Hít thở không khí trong lành, lẽ ra phải là một việc bình thường như ăn cơm, uống nước, chứ không phải ngày ngày chuẩn bị khẩu trang phòng độc hay máy lọc không khí và thường trực câu hỏi: "Có nên ra đường?".

Những ngày gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận, khi Thủ đô thường được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

vdhn.jpg

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện từ 13/9 khi các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội cho thấy nhiều điểm ở mức đỏ (có hại), thậm chí có điểm ở mức nâu (nguy hiểm - tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe).

Sở TN&MT TP. Hà Nội nhận định, nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí rất đa dạng, trong đó, giao thông vận tải vẫn được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất đối với không khí. Ước tính, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân của Hà Nội vào khoảng 15%/năm. Thế nhưng, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá ít, chỉ chiếm từ 7 - 8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại từ 20 - 26%.

Thực tiễn, sự cố môi trường hay những diễn biến bất thường về chất lượng không khí thời gian qua để lại nhiều bài học đắt giá. Điều đáng nói, khi để xảy ra các sự cố, các cơ quan, đơn vị lại chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục gây “xói mòn” niềm tin vào các cơ quan công quyền được giao trọng trách trước các vụ việc.

Ngay như để xác định thành phần các chất độc hại trong không khí, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của nó đến đâu mà mất tới cả hàng tuần trời, thậm chí, mỗi lần nhắc đến lại thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Quả là một sự đáng ngại! Có vẻ như những thủ tục đâu đó vẫn đang được thực hiện đúng “quy trình”, trong khi cách đối phó với sự cố, hay những diễn biến bất thường của môi trường cần thông tin kịp thời hơn thế.

Rõ ràng, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để tái thiết, hồi sinh một vùng đất trải qua thảm họa môi trường. Nhưng sẽ mất bao lâu để có thể quên được những việc mà đáng lẽ được thông tin kịp thời, xử lý tốt hơn thì hậu quả không nặng nề và đỡ khủng hoảng hơn?

Từ câu chuyện ô nhiễm không khí của Hà Nội để nhìn xa hơn, ngay chuyện công bố thông tin chất lượng môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn trên cả nước đã khiến nhiều người băn khoăn và có những phản ứng khác nhau. Một số đô thị đã chủ động thông tin chất lượng không khí lên Cổng thông tin của tỉnh/thành phố. Nhưng cùng với đó, cũng có rất nhiều kênh khác nhau đưa ra thông tin quan trắc và đánh giá môi trường không khí, trên các trang web, bản đồ ô nhiễm môi trường, các app thông tin chưa rõ mức độ tin cậy. Dữ liệu cũng được thu thập từ rất nhiều nguồn, từ các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ, trong nước và ngoài nước, với đủ các loại thiết bị có quy mô và mức độ hiện đại khác nhau (từ các máy đo lắp tại nhà dân đến các sensor, trạm quan trắc).

Lẽ tất nhiên, khi có quá nhiều thông tin khác nhau được công bố sẽ gây nhiễu loạn, đồng thời, tạo ra nhiều cách phản ứng khác nhau trong người tiếp nhận. Người quá nhạy cảm thì lo lắng hoang mang, còn người thận trọng sẽ trở nên hoài nghi tất cả, chỉ tin vào quan sát trực quan của mình.

Cả hai thái cực trên đều không tốt, nếu không muốn nói là có thể cản trở những nỗ lực truyền thông nhằm xây dựng một nhận thức đúng đắn về thực trạng chất lượng môi trường đô thị - trong đó có chất lượng không khí, cũng như các hành động để cải thiện tình hình.

Điều đó đã không xảy ra, nếu như cơ quan chức năng về môi trường ở các thành phố chủ động cung cấp thông tin chính thống cho người dân về thực trạng môi trường. Thành phố đang sử dụng hệ thống quan trắc như thế nào? Mức độ hiện đại và chính xác đến đâu so với thế giới? Các trạm quan trắc hoặc vị trí đặt máy đo ở đâu, có đủ đại diện để đánh giá được tương đối chính xác về tổng quan môi trường ở cả khu vực đó hay chưa? Và với các chỉ số quan trắc như vậy, người dân được khuyến cáo ra sao để không khổ vì hít - thở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khổ như hít thở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO