Khó khăn bố trí đất tái định cư cho bà con vùng lũ Yên Bái

17/10/2018 11:36

(TN&MT) – Là địa phương thường xuyên bị thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra, để giúp người dân vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tỉnh Yên Bái đã khẩn trương bố trí đất tái định cư cho bà con. Tuy nhiên, là tỉnh vùng cao nên việc bố trí đất cho người dân cũng gặp không ít khó khăn. Xung quanh nội dung này, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái
Ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

PV: Thưa ông, trong thời gian vừa qua tỉnh Yên Bái đã bố trí đất tái định cư cho bao nhiêu hộ và đã giúp cho bao nhiêu hộ có nhà để ở?

Ông Nguyễn Ngọc Xuân: Trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng rất nhiều đợt thiên tai. Mưa lũ đã làm 84 người chết và mất tích, 84 người bị thương; hơn 18.000 ngôi nhà bị sụp đổ và hư hỏng; 15.312ha hoa màu bị thiệt hại; 55.249 con gia súc, gia cầm bị chất và trên 1.300 công trình công cộng bị hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại trên 3.157 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã khắc phục được một phần hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng thiên tai. Tái định cư cho các hộ bị sập trôi hoàn toàn nhà cửa, rà soát tìm quỹ đất cho phù hợp, an toàn để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi. Tỉnh Yên Bái phải di dời khẩn cấp và bố trí đất tái định cư cho 967 hộ dân.

Hiện tại, số hộ dân đã được bố trí vào khu tái định cư tập trung, đề nghị được hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của khu tái định cư là 63 hộ. Các hộ này đã được làm nhà bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, cá nhân và nguồn hỗ trợ khác. Đồng thời, đã có 121 hộ khác được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Ngoài ra, các hộ nằm trong vùng nguy hiểm rất cao bị ảnh hưởng bởi lũ ống lũ quét, sạt lở đất phải di dời 783 hộ. Các hộ này đã và đang được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

PV: Yên Bái là tỉnh vùng cao việc bố trí đất tái định cư cho người dân đã gặp khó khăn như thế nào? Để giải quyết khó khăn đó tỉnh Yên Bái đã làm gì? Thưa ông!

Ông Nguyễn Ngọc Xuân: Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh việc bố trí đất tái định cư sau lũ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, mặt bằng xây dựng khu tái định cư tập trung gặp nhiều khó khăn đo địa hình phức tạp, độ dốc nhiều. Quỹ đất có thể bố trí đất tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân cơ bản là quỹ đất quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy phải mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc bố trí đất cho các hộ dân vùng cao còn bị ảnh hưởng do phong tục, tập quán sinh hoạt việc vận động người dân tới nơi ở mới còn gặp khó khăn…

Thứ ba, các khu tái định cư xây xong nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Hệ thống giao thông kết nối với đường giao thông chính, hệ thống thoát nước, nước sạch sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thứ tư, nhiều địa phương đã tìm được đất tái định cư tập trung nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ xây nhà cho các hộ dân, nhiều hộ vẫn phải ở nhà tạm do nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, hạn hẹp.

Để khắc phục những khó khăn trên tỉnh đã rà soát, xác định các hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, đề nghị Thủ tưởng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Hơn nữa, vừa qua tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng phối hợp với UBND các huyện thị xã rà soát, điều chỉnh quỹ đất ở an toàn cho người dân. Mặt khác cần vận động, tuyên truyền cho người dân thay đổi phong tục tập quán để thích nghi với nơi ở mới.

PV: Xin ông cho biết tỉnh có kiến nghị gì để sớm giải quyết được những vướng mắc trên?

Ông Nguyễn Ngọc Xuân: Để sớm giải quyết được khó khăn, vướng mắc trên tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Thủ tưởng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ ngành Trung ương sớm hoàn thiện đề án tổng thể về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó xác định rõ thực trạng biến đổi khí hậu. Từ đó, đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm thiểu thiệt hại thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Đồng thời, cần xây dựng nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai. Ngoài ra, cũng cần đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thời tiết cực đoan.

Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp theo hướng kết hợp giữa các cán bộ kiêm nhiệm và một số cán bộ chuyên trách; điều chỉnh các quy định, chính sách về hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn bố trí đất tái định cư cho bà con vùng lũ Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO