Khó khăn “bài toán” bảo tồn voi rừng ở Nghệ An

06/12/2018 09:13

(TN&MT) – Nghệ An là tỉnh có số cá thể voi rừng nhiều của cả nước. Tuy nhiên, vì vùng sinh cảnh sống bị tác động mạnh nên đã đe dọa đến sự tồn tại, phát triển của voi. Hiện, các cấp, ngành liên quan đã và đang tìm cách bảo tồn, phát triển voi rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân…nhưng công việc này hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn, thử thách.  

Voi thường xuyên…về bản
 

Theo khảo sát, tại Nghệ An còn khoảng 13-15 cá thể voi hoang dã, trong đó, tại khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát có 11-13 cá thể voi. Chúng phân bố thành 2 đàn, một đàn hoạt động tại khu vực Khe Thơi thuộc vùng lõi VQG Pù Mát và một đàn hoạt động tại khu vực vùng đệm của vườn (thuộc địa phận xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương). Ngoài ra, còn có 2 cá thể voi ở khu vực Pù Huống (thuộc 2 huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu).
 

Đàn voi rừng 6 con ra phá mía của người dân bản Vều 3 (xã Phúc Sơn)
Đàn voi rừng 6 con ra phá mía của người dân bản Vều 3 (xã Phúc Sơn)


Những năm gần đây, đàn voi thứ hai này thường xuyên ra các vùng đất canh tác và nơi cư trú của người dân Cao Vều (xã Phúc Sơn) phá hoại hoa màu, nhà cửa và đe dọa tính mạng con người. Ông Nguyễn Văn Tráng – Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: "Theo như suy nghĩ của tôi, nguyên nhân voi hay về quậy phá là do diện tích rừng bị thu hẹp, nguồn thức ăn của voi khan hiếm. Trước đây, khu vực như xã Phúc Sơn, mặc dù là vùng đệm của VQG Pù Mát nhưng có nhiều tre, nứa, chuối,... Đây là những thức ăn ưa thích của voi. Nhưng nay những loại cây này khan hiếm vì rừng tự nhiên không còn, đất rừng chuyển đổi. Ngay như xã Phúc Sơn đây mấy năm trước phải bàn giao 4.000ha đất rừng cho doanh nghiệp chuyển sang trồng cao su".
 

Một cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn, kể, khoảng hơn 20 năm trước, khi làm việc tại Lâm trường huyện Thanh Chương ông đã thấy đàn voi hiện ở xã Phúc Sơn bây giờ. Ngày đó gặp voi thấy chúng rất hiền chứ không tỏ ra giận dữ như bây giờ. Đến bây giờ, khi voi về phá mía, hoa màu,… dân đuổi nhưng chúng không chịu đi có lẽ vì chúng đói nên mới lì lợm như vậy.
 

Biển cảnh báo được giăng lên để cảnh báo người dân về voi rừng.
Biển cảnh báo được giăng lên để cảnh báo người dân về voi rừng.


Ông Trần Xuân Cường – Giám đốc VQG Pù Mát cho biết, khu vực VQG Pù Mát được Bộ NN&PTNT xác định là một trong 3 khu vực trung tâm bảo tồn voi ở Việt Nam. Trước đây, khi khảo sát, diện tích rừng tre nứa làm thức ăn cho voi khoảng 1.500 ha, nhưng nay đã bị chặt gần hết để trồng cao su. Vì thế khu vực cung cấp thức ăn bị thu hẹp nên voi phải đi xa hơn để kiếm ăn hoặc xuống các bản để ăn hoa màu của dân. Vào năm 2010, một cá thể voi đực đã bị bắn chết tại khu vực rừng thuộc xã Phúc Sơn. Hiện nay đàn voi ở đây chỉ còn 6 con.
 

Mới đây nhất, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 3/11/2018, tại thôn Bãi Đá, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn lại xuất hiện một đàn voi rừng. Đàn voi rừng này đã phá hoại nhiều cây cối và diện tích ngô của một số hộ gia đình; để lại nhiều dấu chân to, rõ tại hiện trường. Ngay sau khi nhận được thông tin đàn voi xuất hiện, chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn đã có mặt, phối hợp cùng người dân địa phương dùng các biện pháp thủ công xua đuổi đàn voi trở lại rừng. Tuy nhiên, việc xua đuổi đàn voi gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, mãi sau đó nhiều tiếng đồng hồ thì đàn voi mới chịu bỏ vào rừng.
 

Nhiều nơi trong khu vực rừng sinh sống của voi ở xã Phúc Sơn giờ thành đất trồng cao su.
Nhiều nơi trong khu vực rừng sinh sống của voi ở xã Phúc Sơn giờ thành đất trồng cao su.


Ông Lương Văn Tình ở bản Vều 3, xã Phúc Sơn kể, thời gian những năm gần đây, việc voi về “thăm bản” đã trở nên quen với mọi người. Có hôm, khoảng 2 giờ sáng đàn voi 6 con kéo về phá mía ở bãi Gon. Suốt từ 2 giờ sáng cho đến tối cùng ngày, người dân và các lực lượng chức năng tìm đủ mọi cách từ khua xoong nồi, đốt lửa, nổ xe máy,... nhưng đàn voi vẫn "ung dung" ăn mía. Có đợt như vào mùng 2 Tết năm 2014. Dân bản đang vui Tết thì đàn voi kéo về làm náo loạn cả bản. Chúng lùng sục một hồi, phá tung cả một góc bếp nhà anh Nguyễn Văn Tuyển rồi mới bỏ đi.
 

Ông Tình lo lắng: "Không hiểu sao thời gian gần đây voi lại thường về phá nhiều đến thế. Không chỉ phá cây trồng, hoa màu, voi còn về phá cả nhà, quật chết cả người”.

Năm 2011 đàn voi kéo về phá lán của công nhân trồng rừng và quật chết một người. Năm 2013 một người khác lại là nạn nhân xấu số của đàn voi. Ngoài ra, voi còn làm bị thương ít nhất 4 người. Hiện nay, tình trạng xung đột giữa voi và người xảy ra trên diện rộng, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, như ở xã Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp), xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương), xã Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê, Yên Khê (huyện Con Cuông), xã Xá Lượng (huyện Tương Dương)…

 

Khó khăn “bài toán” bảo tồn
 

Khoảng 23 giờ đêm 14/3/2017, một nhóm công nhân thi công công trình tại Khe Nóng (ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông) đang ngủ thì nghe tiếng động lạ. Chui ra khỏi lán kiểm tra, nhóm công nhân phát hoảng khi thấy một con voi đang “đứng lù lù” bên cạnh máy múc. Thoạt đầu các công nhân định tháo chạy, nhưng quan sát thấy con voi này không có động thái gì là hung dữ hay có ý tấn công người nên các anh đứng lại. Một hồi sau, một vài người lân la lại gần, nhưng voi vẫn tỏ ra thân thiện. Sau đó thì cả nhóm công nhân quây đến bên voi, vuốt ve, sờ vòi, sờ tai, đuôi… và chụp ảnh “seo phi” (Selfie) cùng voi, quay clip đưa lên Facebook. Con voi này có vẻ rất thích thú và ở cùng nhóm công nhân đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau mới bỏ vào rừng.
 

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc VQG Pù Mát cho biết, con voi này là voi cái, sống chỉ một mình trong khu vực Khe Nóng. Vào mùa động dục, con voi này và đàn voi dưới khu vực Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) đã từng “tìm nhau”, nhưng khi đến khu vực sông Giăng, đập Phà Lài thì bị ngăn lại. VQG Pù Mát cũng đã nghiên cứu, tìm cách đưa 1 trong 2 con đực mới lớn ở khu vực Phúc Sơn lên với con voi “cô đơn” trên Khe Nóng, nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện được.
 

Ông Phan Văn Đại (xóm Bãi Đá, xã Phúc Sơn) kể chuyện voi về bản.
Ông Phan Văn Đại (xóm Bãi Đá, xã Phúc Sơn) kể chuyện voi về bản.

Thực hiện Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và triển khai Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, thực hiện từ năm 2014 với tổng kinh phí gần 87 tỷ đồng. Và để giải quyết vấn đề xung đột giữa voi và người, từ đầu năm 2016, công trình hào ngăn voi đã được xây dựng ở bản Vều 1 và Vều 2 (xã Phúc Sơn). Hào có chiều dài 5 km, hiện nay đã làm được hơn 4 km với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Công trình này và hệ thống lối đi tuần tra là hạng mục có mức đầu tư 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chưa có vốn nên đến nay cũng chỉ mới thực hiện được hạng mục này, còn các hạng mục quan trọng như khôi phục vùng sinh cảnh 250ha cho voi sinh sống vẫn chưa thực hiện được. Và ngay việc xây hào ngăn voi cũng còn bất cập.
 

Hiện nay, ngoài những hạng mục đã triển khai, BQL dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020” cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân các địa phương có đàn voi phân bố; tích cực phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật quốc tế (FFI), tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife, tham gia các hội thảo quốc tế để nghiên cứu, triển khai các giải pháp bảo tồn đàn voi và hạn chế xung đột giữa voi và người.
 

Ông Nguyễn Văn Tráng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Việc xây dựng hào ngăn voi cử tri xã Phúc Sơn có ý kiến rất nhiều. Người dân phàn nàn việc hào đã xây mà voi vẫn cứ ra quậy phá. Con voi là sinh vật di chuyển nên voi không đi đường này cũng đi đường khác vì nó đi theo chu kỳ. Về lâu dài, nó không ra được vùng Cao Vều thì nó ra thôn Bãi Lim và thôn Bãi Đá, không thì nó cũng đi từ vùng Thanh Chương lên, trên Con Cuông đi xuống. Tốt nhất là tạo vùng sinh cảnh cho voi sinh sống như vậy sẽ mang tính bền vững hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn “bài toán” bảo tồn voi rừng ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO