Khánh Hòa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010: Đề xuất tháo gỡ khó khăn để phù hợp với tình hình phát triển mới - Quy trình cấp phép còn nặng về thủ tục hành chính

Nguyễn Dũng - Đỗ Vương (thực hiện)| 25/10/2022 15:06

(TN&MT) - Sau 12 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc đưa các mỏ khoáng sản vào đấu giá công khai đã thu được nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian thi hành, Luật Khoáng sản còn bộc lộ nhiều bất cập. Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tình hình khai thác khoáng sản ở Khánh Hòa trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực?

8-9-5-.jpg

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tiềm năng về trữ lượng khoáng sản và có nhiều loại khoáng sản có giá trị như cát trắng thủy tinh, đá granite, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, sét bùn,... Trước năm 2010, do nhu cầu sử dụng còn ít nên việc cấp phép khai thác, sử dụng, chế biến khoáng sản còn ở quy mô nhỏ, công suất khai thác thấp, chưa đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu; đa số khai thác theo giấy phép khai thác tận thu (tạm thời) khoáng sản đất, đá, cát làm vật liệu xây dựng (VLXD) chưa qua thăm dò, đánh giá trữ lượng theo Điều 49, 50 Luật Khoáng sản năm 1996 (Thời hạn của giấy phép không quá 3 năm).

Theo dõi đánh giá của các sở chuyên môn và chính quyền địa phương cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản. Những vi phạm đều được xử lý kịp thời, giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định. Đến nay, các khu vực khoáng sản đều được cấp giấy phép theo quy định tại Luật Khoáng sản; khu vực cấp giấy phép khai thác đều được thăm dò, phê duyệt trữ lượng, qui mô khai thác công nghiệp có chế biến sâu.

PV: Kể từ thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, Khánh Hòa đã triển khai Luật như thế nào? Việc khai thác khoáng sản có tác động gì đến phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện Luật Khoáng sản 2010, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các cấp tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản. Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về Luật Khoáng sản cho toàn bộ UBND cấp huyện (lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc đơn vị, lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ phụ trách lĩnh vực khoáng sản) và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan như Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Cục thuế,… triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản

Thứ hai, tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh dựa trên cơ sở đề án phát triển nguồn vật liệu tỉnh Khánh Hòa trong từng giai đoạn để có cơ sở quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến và sử dụng khoáng sản.

Thứ ba, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thuộc thẩm quyền như: quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản; quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; quy chế thi đua, quy chế trao đổi thông tin, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác,…

Thứ tư, kiện toàn các cơ quan, tổ chức, đội ngũ công chức tham mưu giúp việc về công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, nâng cao chất lượng thẩm định đề án thăm dò, khai thác kháng sản; báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, thẩm định dự án đầu tư khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đồng thời, UBND tỉnh tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 10-CT/TU ngày 18/12/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đá ốp lát, cát trắng thủy tinh), VLXD thông thường (cát, đá, sỏi, đất sét, gạch ngói,…) đã đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất, xây dựng; đặc biệt cung cấp cho các dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án khai thác nước khoáng, sét bùn, đã góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch của Khánh Hòa như ngâm, tắm bùn, khoáng,…

Các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước thông qua thu tiền cấp quyền, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất trong hoạt động khai thác khoáng sản.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn khi triển khai Luật Khoáng sản năm 2010 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và hướng giải quyết?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quy định về trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản còn rườm rà, tốn nhiều thời gian của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, chưa có quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với từng nhóm, loại khoáng sản, tổ chức, cá nhân được cấp phép cho phù hợp; nhất là khoáng sản làm VLXD thông thường và khai thác quy mô hộ gia đình ở địa phương phục vụ cho xây dựng các công trình có quy mô rất nhỏ, san nền nhà ở cho dân tại chỗ, nếu lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định thì sẽ không đủ điều kiện, mất thời gian, đôi khi làm chậm trễ tiến độ thi công công trình. Do đó, dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân lén lút khai thác trái phép...

8-9-1-.jpg

Tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản

Một số quy định không còn phù hợp với thực tế, cũng như sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai… Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quy định tại Khoản 2, Điều 79 Luật Khoáng sản 2010 và quy định chi tiết tại Nghị định 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ, tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai 2013, đối với các dự án khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường không thuộc Nhà nước thu hồi, do đó, việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cho cơ quan lập hồ sơ chuẩn bị đấu giá quyền khai thác khoáng sản và người tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại Điều 62, Luật Khoáng sản, dự án khai thác khoáng sản nói chung phải bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ và một Giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một giấy phép khai thác khoáng sản. Trong khi đó, các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường như đất, đá, cát, sỏi lòng sông, sét bùn, sét gạch ngói,… kỹ thuật thăm dò, khai thác lộ thiên… khá đơn giản, do đó không cần bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ với yêu cầu trình độ Giám đốc là kỹ sư địa chất thăm dò hoặc kỹ sư khai thác mỏ…

Một số chủ đầu tư được cấp phép hoạt động khoáng sản chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương chưa đồng bộ và thường xuyên, công tác hậu kiểm chưa được kịp thời, việc xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra còn thiếu kiên quyết và không triệt để...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010: Đề xuất tháo gỡ khó khăn để phù hợp với tình hình phát triển mới - Quy trình cấp phép còn nặng về thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO