Khánh Hòa: Cần nguồn vốn để ứng phó với BĐKH

09/11/2015 00:00

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày một rõ nét tới một số địa phương ở Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa. Để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa rất cần sự hỗ trợ vốn của Trung ương và các tổ chức nước ngoài...

Ảnh hưởng BĐKH ngày càng rõ nét

Khánh Hòa thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, với chiều dài bờ biển 385 km, có nhiều đầm, vịnh và hàng trăm đảo. Theo tính toán ban đầu của Đài khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ, đến giữa thế kỷ 21, mực nước biển Nha Trang (Khánh Hòa) có thể dâng thêm từ 28 - 33 cm, đến cuối thế kỷ con số này sẽ lên 65 - 100 cm, so với thời kỳ 1980 – 1999.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thì những năm gần đây, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thay đổi thất thường, nhiệt độ tăng cao hơn; tần suất bão mạnh, lũ lớn có đột biến về số lượng và mức độ gây hại; hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước ngày càng gay gắt…Đây là những biểu hiện rõ nét của BĐKH và ngày càng tác động sâu sắc đến đời sống và sự phát triển bền vững của Khánh Hòa.

Được biết, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn, nhiều diện tích lúa bị bỏ hoang do nguồn nước bị nhiễm mặn, nông dân phải bơm tưới bằng nước giếng khoan, tuy nhiên ruộng lúa vẫn kém phát triển, năng suất thấp. 

 Trong khi đó, tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến hơn 10.000ha lúa vụ hè thu phải bỏ vụ, không thể sản xuất được vì thiếu nước. Không những toàn tỉnh phải cắt giảm diện tích sản xuất lúa nước, mà nhiều nơi, nông dân còn chật vật bởi không thể chuyển đổi được cây trồng, thậm chí chuyển đổi xong thì cây trồng chết vì khô hạn.

Những năm gần đây, lượng mưa tại Khánh Hòa thay đổi thất thường, tần suất bão mạnh, lũ lớn có đột biến về số lượng

Thiếu vốn triển khai nhiệm vụ ứng phó BĐKH

Trước tình hình trên, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015 nhằm đánh giá tác động của BĐKH liên quan đến: tài nguyên nước; hạ tầng ven biển; đa dạng sinh học vùng ven bờ; dự án cộng đồng ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; xây dựng 5 dự án ứng phó với BĐKH (cầu Co Ró - Khánh Sơn; cầu Thác Ngựa - Khánh Vĩnh; kè hạ lưu Bình Tân - Nha Trang; kè bảo vệ thị trấn Tô Hạp - Khánh Sơn; nâng cao năng lực ứng phó  với BĐKH)...

Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên đến nay tỉnh chỉ thực hiện được 2 nhiệm vụ là: Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến lĩnh vực tài nguyên nước và đề xuất kế hoạch ứng phó (kinh phí 1 tỷ đồng từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH); đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với cơ sở hạ tầng các lĩnh vực và địa phương ven biển (kinh phí khoảng 3 tỷ đồng từ ngân sách địa phương). Đồng thời, triển khai đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đối với Khánh Hòa và giải pháp thích ứng và ứng phó (kinh phí gần 1,2 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp khoa học tỉnh).

Ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, để công tác ứng phó với BĐKH đạt hiệu quả cao hơn, Trung ương cần ban hành văn bản về ứng phó BĐKH kịp thời hơn, nhất là các văn bản hướng dẫn, quy định tích hợp, lồng ghép BĐKH vào kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực tại địa phương. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của tỉnh cần sự hỗ trợ vốn của Trung ương và các tổ chức nước ngoài...

Hiện nay, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động ứng phó với BĐKH trên địa bàn chủ yếu sử dụng ngân sách Nhà nước, chưa kêu gọi được sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng và tổ chức trong, ngoài nước; người dân thiếu quan tâm và chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu trước diễn biến phức tạp của thiên tai. Mặt khác, cán bộ quản lý thuộc lĩnh vực này chưa được đào tạo chuyên sâu, có hệ thống, dẫn tới giảm năng lực ứng phó với BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Ngân An

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Cần nguồn vốn để ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO