Khai thác khoáng sản Quảng Bình: "Bức tranh" tối – sáng

05/09/2013 00:00

(TN&MT) - Những tiềm năng về tài nguyên khoáng sản đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH, Quảng Bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khai thác KS...

   
(TN&MT) - Bên cạnh những tiềm năng về tài nguyên khoáng sản đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT-XH, Quảng Bình đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
   
Mảnh đất nhiều tiềm năng
   
  Trải qua quá trình địa chất lâu dài, lại nằm trong khối nâng trẻ Trường Sơn nên tài nguyên khoáng sản của Quảng Bình tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra của Bộ TN&MT, tỉnh có khoảng trên 100 mỏ và điểm quặng với gần 40 loại khác nhau. Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Đá vôi các loại có trữ lượng khoảng 5.400 tấn đá vân sọc với nhiều màu sắc đẹp, phân bố ở Xuân Sơn, đá mài (Bố Trạch), Tiến Hóa, Đồng Lê (Tuyên Hóa), Hoà Sơn (Minh Hóa); nguyên liệu gốm sứ có mỏ cao lanh ở Lộc Ninh - Đồng Hới, trữ lượng 30,4 triệu tấn, thuộc loại mỏ lớn của nước ta, mỏ dạng lộ thiên dễ khai thác; nguyên liệu cho thủy tinh có cát trắng Thạch Anh. Ở phía Bắc Ba Đồn - Quảng Trạch có bãi cát trắng với diện tích rộng gần 40 km2, ước tính trữ lượng 35 triệu tấn, ở Thanh Khê - Bố Trạch có trữ lượng 5 triệu tấn. Cát có độ tinh khiết cao, hạt mịn, hàm lượng Si02 tới 98 - 99%, nằm cạnh đường giao thông, dễ khai thác vận chuyển, có thể phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng thủy tinh cao cấp và các vật liệu từ silicat khác.
   
  Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Bình, đến nay, UBND tỉnh đã cấp 565 Giấy phép hoạt động khoáng sản (trong đó, 45 Giấy phép thăm dò, 520 Giấy phép khai thác khoáng sản). Hiện, trên địa bàn tỉnh có 85 đơn vị, doanh nghiệp đang được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và các đơn vị khai thác đều có địa chỉ thuộc địa bàn trong tỉnh. từ khi Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực đến nay, theo phân cấp thẩm quyền thì UBND tỉnh chủ yếu cấp Giấy phép thăm dò, khai thác đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản thuộc khu vực phân tán nhỏ lẻ, khu vực khoáng sản ở bãi thải trong các mỏ đã đóng cửa và than bùn.
   
  Do đó, hầu hết các đơn vị được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản là những mỏ có quy mô nhỏ lẻ, diện tích phổ biến khoảng 5- 10 ha trở lại. Các địa phương có nhiều mỏ khoáng sản đang hoạt động là huyện Quảng Ninh (22 mỏ), tiếp đến là Tuyên Hóa (19 mỏ), Quảng Trạch (18 mỏ), Bố Trạch (18 mỏ) và Lệ Thủy (15 mỏ)... Các loại khoảng sản cũng phân bố theo từng vùng, trong đó các mỏ đá tập trung ở huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, Quảng Trạch có nhiều mỏ đất sét, các mỏ cát ở Bố Trạch và khoáng sản titan chủ yếu ở vùng Lệ Thủy.
   
   
Tín hiệu sáng từ "mảng tối"
   
  Theo Sở TN&MT Quảng Bình, một trong những nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là do xuất phát từ việc đầu tư của một số doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính, dây chuyền, công nghệ cũ , không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật.
  Đặc biệt, trong thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa được khắc phục, trong đó đáng báo động nhất là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với mức độ ngày càng tinh vi và thách thức lực lượng bảo vệ pháp luật. Các đoạn sông Gianh qua xã Tiến Hóa, Văn Hóa..., sông Kiến Giang qua xã Mai Thủy và trên sông Long Đại "cát tặc" hoành hành cả ngày lẫn đêm và chủ yếu sử dụng máy hút cát với công suất lớn để bơm hút trái phép.
   
  Khi bị phát hiện, đối tượng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ hoặc bỏ chạy qua khu vực bên kia sông để tẩu thoát. Hậu quả của việc khai thác cát trái phép này đã làm thay đổi lưu vực dòng chảy, gây sạt lở một số đoạn thuộc sông Gianh và sông Kiến Giang, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân đang sống ven sông.
  Việc khai thác titan trên địa bàn Sen Thủy đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân suốt ba năm nay. Trong đó, 16 hộ dân ở gần bãi khai thác titan thôn Trung Tân đã phải ngày đêm vật vã chống chọi với bão cát và sự khan hiếm nước sạch do hoạt động khai thác trên gây ra. Chưa hết, hàng trăm chuyến xe chở titan thô từ bãi khai thác đem đi bán, chạy ầm ầm mỗi ngày đêm, phá hết đường giao thông qua thôn.
   
  Mới đây, thông qua công tác kiểm tra tình hình khai thác titan tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã cho thấy những tín hiệu khả quan hơn. Cụ thể, sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị khai thác titan đã có nhiều tiến bộ trong việc san ủi, hoàn trả mặt bằng và trồng cây. Tuy nhiên, trong khai thác, vận chuyển vẫn còn có một số tồn tại, đó là không quản lý tốt để mất mốc chỉ giới khai thác, việc phun nước khi vận chuyển trên đường chưa thực hiện thường xuyên nên vẫn còn xảy ra tình trạng gây bụi, ảnh hưởng đến người dân trong vùng.
   
  Đáng chú ý, các đơn vị khai thác Titan đã tạo hố khai thác để lấy nước dùng đãi quặng và sau đó cho lắng qua cát để tái sử dụng. Lượng nước sau đãi quặng không chứa chất độc hại với các thông số đều đạt yêu cầu. Ngoài ra, hiện tại địa bàn xã Sen Thủy chỉ có 4 đơn vị được cấp phép khai thác Titan với diện tích khoảng 150 ha nhưng có 3 đơn vị chưa khai thác là: Công ty TNHH Xây dựng Thanh Bình, Công ty TNHH Sen Hồng, Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Long. Riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình được cấp 100 ha và đã khai thác được 76 ha. Công ty đã tiến hành hoàn thổ diện tích đã khai thác và trồng cây xanh trên diện tích hơn 20 ha với tỷ lệ cây sống đạt cao.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác khoáng sản Quảng Bình: "Bức tranh" tối – sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO