Khắc phục tình trạng ngập lụt tại các đô thị vùng DTTS và miền núi

Thanh Tùng | 30/09/2021, 21:00

(TN&MT) - Cùng với lũ quét, sạt lở đất thì ngập lụt là hiện tượng thiên tai gây nhiều thiệt hại cho các đô thị ở miền núi, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta. Do vậy, tìm giải pháp giải quyết tình trạng ngập lụt tại các đô thị miền núi đang được Chính phủ và chính quyền các địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Mưa lớn là lụt

Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ vào ngày 21/7/2020 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân tỉnh Hà Giang. Lượng mưa ghi nhận được tại nhiều nơi đã vượt mức 300 mm, như: TP Hà Giang 378 mm, Vị Xuyên 401 mm, Hoàng Su Phì 103 mm. TP Hà Giang ngập trong biển nước. Thống kê cho thấy, mưa lớn đã làm 5 người thiệt mạng do bị đất đá vùi lấp và bị lũ cuốn, 2 người bị thương. Hơn 50 ngôi nhà bị sạt lở, 524 nhà bị ngập lụt. Đáng chú ý, 2 nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Thái An (huyện Quản Bạ) đã dừng hoạt động do bị đất đá vùi lấp.

TP Hà Giang ngập sâu sau trận mưa lớn kéo dài ngày 21/7/2020.

Còn tại tỉnh Lào Cai, đêm về sáng ngày 5/7, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao khiến một số nơi có mưa vừa, mưa to như: xã Tả Củ Tỷ (Bắc Hà) 30,2mm; xã Nậm Chảy (Mường Khương) 30,6mm; phường Cốc Lếu (TP Lào Cai) trội hơn 32mm; phường Nam Cường (TP Lào Cai), lượng mưa lên tới 117mm. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường phố ở TP Lào Cai bị ngập sâu, nước tiêu thoát không kịp nên dâng cao tràn vào hàng chục hộ gia đình trong khu vực với độ sâu từ 15-35cm. Nhiều tuyến phố ngập nặng khiến giao thông bị chia cắt như: đường Hoàng Quốc Việt (phường Bắc Lệnh), đường Trần Phú, đường Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, trên đường Lê Thanh (phường Bắc Cường), nước mưa ngập sâu từ 50-80cm, có điểm trên 80cm. Nhiều gia đình không kịp ứng phó nên bị thiệt hại về tài sản, hư hỏng nhà cửa. Nhiều ôtô ngập sâu trong nước.

Trước đó, ngày 1/10/2020, mưa lớn kéo dài khiến TP Lào Cai cũng bị ngập lụt. Đất đá từ trên đồi cao trượt lở vào một nhà dân tại đường Trần Đại Nghĩa, gây thiệt hại một số tài sản. Nhiều hộ dân thuộc phường Cốc Lếu cũng bị ngập sâu trong nước. Tại phường Duyên Hải, mưa lớn khiến đường Nhạc Sơn ngập sâu trong nước 1 - 1,2m, nhiều ôtô, xe máy ngập nước. Riêng khu vực tổ 4 và tổ 6, mưa lũ khiến hơn 20 hộ dân ngập sâu, hư hỏng nhiều tài sản.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP Lào Cai có trên 50 điểm thường xuyên bị ngập úng cục bộ do mưa to. Trong khi đó, hằng năm tỉnh đều dành từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khắc phục chưa triệt để bởi thiếu tính đồng bộ, liên thông giữa các công trình, dự án. Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Lào Cai Đặng Minh Khánh cho biết, tổng thể toàn thành phố cũng có rất nhiều hệ thống thoát nước nhưng năng lực thoát nước kém do tốc độ đô thị hóa, rất nhiều dự án công trình xây dựng thi công cùng lúc trên địa bàn dẫn đến đất đá trôi chảy xuống cống rãnh. Vì vậy, phải xử lý từng bước chứ chưa thể xử lý ngay một lúc hết trên 390 km cống rãnh.

Một tuyến đường tại TP Lào Cai bị ngập sâu ngày 5/7/2021.

Lý giải về nguyên nhân chính khiến TP Hà Giang ngập nghiêm trọng trong sáng 21/7/2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, do lượng mưa trút xuống quá lớn, chỉ vài giờ mà đã hơn 100 mm. Trong khi đó, Hà Giang có địa hình lòng chảo, mưa xuống nhanh nhưng nước không kịp thoát gây ra ngập úng nghiêm trọng. Từ năm 1986 đến nay, việc ngập úng vẫn thỉnh thoảng diễn ra.

Cùng quan điểm, Giám đốc Đài KTTV khu vực Việt Bắc Bùi Đức Tuấn cho biết, thông thường, những đợt lũ xảy ra thường là lũ thượng nguồn và xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, đợt lần này lại chỉ tập trung ở Hà Giang. Hà Giang có địa hình gần như một thung lũng. Xung quanh thành phố là các rãnh núi cao nên lượng nước dồn về rất nhanh. "Lũ chỉ trên mức báo động 2 nhưng tập trung cục bộ ở một vài điểm nên gây ngập nhiều. Sau đó, lượng nước ứ đọng tại các điểm tràn ra gây ngập hết cả thành phố", ông Tuấn phân tích.

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực trạng ngập lụt cục bộ tại Hà Giang và Lào Cai như trên cũng diễn ra phổ biến tại các tỉnh miền núi khác, đặc biệt là tại các thành phố, thị trấn mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Ngoài nguyên nhân khách quan là do địa hình trũng thấp khó thoát nước thì tình trạng ngập úng cục bộ chủ yếu đến từ nguyên nhân chủ quan. Đó là do công tác quy hoạch xây dựng và năng lực tiêu thoát của hệ thống thoát nước không theo kịp sự phát triển của đô thị; sự thiếu quyết liệt từ phía chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng trong việc hạn chế những tác nhân gây ra ngập úng, như trong quá trình thi công xây dựng dự án đã để một lượng lớn đất đá trôi xuống làm tắc cống tiêu thoát nước.

Thi công nạo vét, khơi thông cửa thu nước ở phố Tùng Tung, phường Nam Cường, TP Lào Cai để giải quyết tình trạng ngập lụt khi mưa lớn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước của hầu hết các địa phương miền núi đều gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ít và đòi hỏi đầu tư đồng bộ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Trước những khó khăn đó, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. Đề án thực hiện trên hệ thống đô thị phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), trong đó tập trung vào hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trong giai đoạn I (từ 2021-2025), Đề án thực hiện tại 5 đô thị gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Giai đoạn II (từ 2026-2030), thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu.

Trong triển khai Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030", Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ: “Tư vấn, cung cấp thông tin, dữ liệu, bản đồ, kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia; lồng ghép các chương trình của Đề án vào chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia; bổ sung danh mục các nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp nhà nước hỗ trợ phục vụ Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nhiệm vụ, chương trình Đề án”.

Theo đó, Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào việc điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).

Đồng thời, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Bài liên quan
  • Thiên tai ảnh hưởng tới nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi
    (TN&MT) - Tháng 8/2021, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài kèm dông lốc, sét gây nên lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long; nắng nóng và nắng nóng cục bộ gay gắt kéo dài gây hạn hán khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO