Kêu gọi cộng đồng bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn nước

20/03/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 20/3, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ Mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày...

(TN&MT) - Ngày 20/3, tại Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ Mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự. 
 
Tham dự Lễ mít tinh còn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang; Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.
 
Ông Bùi Văn Hải – Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã đến dự.
 
Đặc biệt, tới dự Lễ mít tinh còn có hơn 3500 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
 
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng luôn đóng vai trò trọng tâm trong các khía cạnh của phát triển bền vững. Nước đã dần trở thành nhân tố cốt lõi, mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại trên toàn cầu. Từ những năm cuối thế kỷ XX, nước đã dần chiếm những vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thì an ninh nguồn nước hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Thứ nhất, sự gia tăng nhanh chóng dân số thế giới đang làm cho nhu cầu thiết yếu về nước tăng lên mạnh mẽ. Thứ hai, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới, nhưng trong thực tế việc sử dụng và quản lý nguồn nước, xử lý các vấn đề môi trường chưa được coi trọng thỏa đáng. Thứ ba, việc khai thác nước trên toàn cầu để thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã tăng đột biến trong gần nửa thế kỷ qua. Thứ tư, tình trạng khan hiếm nước cũng diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại những vùng khô hạn và bán khô hạn. 
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước. Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia đông dân số, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Nếu chúng ta không đảm bảo khai thác, bảo vệ các nguồn nước một cách hợp lý thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước trầm trọng. Vì vậy, một mặt chúng ta cần tiếp tục đầu tư để phát triển tài nguyên nước, mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ mít tinh
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ mít tinh

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung đưa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Tài nguyên nước, các Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính phủ, với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

 
Một là, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật tài nguyên nước năm 2012; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
 
Hai là, tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ Quy trình.
 
Ba là, tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
 
Bốn là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông, trước hết tập trung vào hệ thống sông xuyên biên giới và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
 
Năm là, thành lập các tổ chức lưu vực sông để triển khai cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực nhằm huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.
 
Sáu là, chủ động đề xuất các giải pháp trong hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; đặc biệt là nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, qua đó có những giải pháp ứng phó phù hợp. Xây dựng kế hoạch để triển khai hiệu quả Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam mới gia nhập.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang mong muốn hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo sử dụng nước bền vững cho mọi người. Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng, cần sử dụng tổng hợp và hiệu quả hơn nguồn nước trong mọi ngành, lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Lễ mít tinh
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các địa phương trên cả nước cần nhận thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp bách phải bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn nước. 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Nước không chỉ là một nguồn tài nguyên quý giá, mà còn là chìa khóa để bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hội nghị của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững năm 2012 (Rio +20) đã cam kết các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015, trong đó nhấn mạnh: “Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững vì nước có mối liên hệ chặt chẽ với các thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt”.
 
Vì vậy theo Phó Thủ tướng, cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, giá trị của nước trong mối quan hệ với phát triển bền vững, từ đó xây dựng chính sách hợp tác giữa các ngành có liên quan, nhằm đảm bảo nhu cầu về sức khỏe con người và hệ sinh thái, an ninh lương thực và năng lượng, phát triển công nghiệp và đô thị, các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bình đẳng giới cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, phát huy những mặt lợi, hạn chế những tác hại của nước.
 
Theo số liệu điều tra, Việt Nam có 3.450 sông, suối tương đối lớn với tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng gần 2/3 là từ nước ngoài chảy vào. Do đó, về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác và tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả chưa được cải thiện.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong rằng mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; cùng nhau hợp tác để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường; góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước; góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “đảm bảo bền vững về môi trường”. 
 
Tại Lễ mít tinh, ông Bùi Văn Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kêu gọi: Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và trên toàn quốc nói chung hãy quan tâm và tích cực thực hiện các biện pháp để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, giảm dần sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường. “Bằng những việc làm thiết thực, mỗi người chúng ta hãy đóng góp để cho tinh thần của thông điệp trong Ngày nước thế giới “Nước là cốt lõi của Phát triển bền vững” trở thành dòng mạch trong cuộc sống” - ông Bùi Văn Hải nói.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh hai vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là an ninh nguồn nước và cấp nước bền vững. 
 
Bà Victoria Kwakwa cho rằng: Muốn phát triển bền vững cần phải đảm bảo an ninh nước. Khai thác nước ngọt đã tăng gấp đôi trong hơn 15 năm qua tại Việt Nam. Chất lượng nước mặt ngày càng kém, buộc người dân phải chuyển sang khai thác nước ngầm. Vì thế, chúng ta phải tìm cách sử dụng nước một cách bền vững, phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp.
 
Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua và thực hiện các nguyên tắc quản lý nguồn nước đồng bộ nhằm xây dựng một khung chính sách về quản lý nguồn nước linh hoạt, có khả năng thích ứng với các vấn đề hiện tại và tương lai.
 
“Việt Nam cần đảm bảo an ninh nước cho lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực quan trọng và đòi hỏi phải sử dụng nước ngày càng hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hơn trên từng giọt nước” - bà Victoria Kwakwa nói.
 
 
Thông điệp ngày nước Thế giới 2015 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon:
 
Chúng ta dựa vào nước vì sức khỏe cộng đồng và sự công bằng tiến bộ. Nước hết sức quan trọng và cần thiết đối với an ninh lương thực, năng lượng, đồng thời là vai trò trụ cột trong các ngành công nghiệp. 
 
Biến đổi khí hậu, gia tăng nhu cầu nước cho nông nghiệp, công nghiệp, đô thị cùng với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực, trong khi tài nguyên nước chỉ là hữu hạn, đang đẩy nhanh khủng hoảng về nước, mà để giải quyết chỉ có thể bằng cách có được các chính sách, quy hoạch, kế hoạch tổng hợp liên ngành trên bình diện quốc tế, khu vực và toàn cầu.
 
Khoảng 2,5 tỷ người vẫn đang sống trong điều kiện vệ sinh không được cải thiện, một tỷ người phải đi tiêu/vệ sinh ngoài trời. 
 
Để giải quyết nhiều thách thức liên quan đến nước, chúng ta phải làm việc trên một tinh thần hợp tác khẩn trương, mở ngỏ đón nhận mọi ý tưởng và sáng kiến mới, đồng thời sẵn sàng chia sẻ các giải pháp mà tất cả chúng ta đang cần vì một tương lại bền vững. Nếu làm được thế, chúng ta có thể chấm dứt được đói nghèo, thúc đẩy sự thịnh vượng và phúc lợi toàn cầu, bảo vệ môi trường và chống chọi được với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
 
 
Thuý Hằng – Mai Đan – Hoàng Minh
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi cộng đồng bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả, bền vững các nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO