Kêu gọi chuyển đổi môi trường và kinh tế khẩn cấp

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News| 07/06/2022 10:52

(TN&MT) - Hội nghị môi trường Stockholm + 50 vừa bế mạc ngày 3/6 tại Thủ đô Stockholm, Thụy Điển với lời kêu gọi về những cam kết thực sự nhằm nhanh chóng giải quyết các mối quan tâm về môi trường toàn cầu và hướng tới quá trình chuyển đổi công bằng sang các nền kinh tế bền vững cho tất cả mọi người.

Bà Inger Andersen - Tổng thư ký Stockholm + 50 kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: "Chúng ta đến Stockholm 50 năm sau Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường, Con người và biết rằng, điều gì đó phải thay đổi. Nếu chúng ta không thay đổi, cuộc khủng hoảng 3 hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất tự nhiên và đa dạng sinh học, ô nhiễm và chất thải sẽ ngày càng gia tăng nghiêm trọng”. Bà Andersen kêu gọi những người tham gia cam kết hành động để định hình thế giới của chúng ta trong tương lai.

Hướng tới hành tinh khỏe mạnh

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cho rằng, các chính sách mà chúng ta thực hiện sẽ định hình thế giới chúng ta đang sống trong ngày mai. “Chính phủ và khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc xem xét các chiến lược nhằm tập trung giải quyết các khó khăn đã cản trở sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Nơi làm việc trong tương lai phải bắt nguồn từ sự bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử và định kiến tác động tiêu cực đến đến kỹ năng, đạo đức làm việc, khả năng lãnh đạo hoặc trí tuệ của phụ nữ”, ông Shahid nhấn mạnh.

anh-1-hoi-nghi-stockholm.jpg

Stockholm + 50, cuộc họp quốc tế do Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập, được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển từ ngày 2 - 3/6/2022. Ảnh: UNEP

Ông cho rằng, cần làm rõ vấn đề bình đẳng giới trong các biện pháp bảo vệ pháp lý, cơ chế thực thi mạnh mẽ và sự thay đổi lớn về cấu trúc và văn hóa.

Ông Shahid cũng kêu gọi mọi người thảo luận việc xây dựng một xã hội không chỉ phục hồi bình đẳng giới hơn mà bình đẳng giới cần được xây dựng trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc họp quốc tế kéo dài hai ngày (2 - 3/6) kết thúc với một tuyên bố từ các nước đồng đăng cai Thụy Điển và Kenya. Theo đó, các nước khuyến nghị đặt phúc lợi của con người vào trung tâm của một hành tinh khỏe mạnh và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; công nhận và thực hiện quyền có môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững; áp dụng những thay đổi trên toàn hệ thống về cách thức hoạt động của hệ thống kinh tế hiện tại của chúng ta và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các lĩnh vực có tác động lớn.

Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Thụy Điển, Annika Strandhall cho biết: “Hiện chúng ta có một kế hoạch chi tiết về việc tăng tốc để tiến xa hơn. Stockholm + 50 là một cột mốc quan trọng trên con đường của chúng ta hướng tới một hành tinh khỏe mạnh cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Xây dựng tương lai cho thế hệ sau

Nội dung chính tại Hội nghị môi trường Stockholm + 50 năm nay bao gồm hành động nhằm cắt giảm khí thải, phục hồi từ đại dịch Covid-19 và đẩy nhanh việc đưa bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển. Stockholm + 50 có 4 phiên họp toàn thể, trong đó các nhà lãnh đạo đưa ra lời kêu gọi hành động mạnh mẽ về môi trường để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

3 cuộc Đối thoại Lãnh đạo, hàng trăm sự kiện bên lề, các sự kiện liên quan và hội thảo trên web và một loạt các cuộc tham vấn nhiều bên liên quan trong khu vực trong thời gian diễn ra cuộc họp đã cho phép hàng nghìn người trên khắp thế giới tham gia vào các cuộc thảo luận và đưa ra quan điểm của họ.

Bộ trưởng Các vấn đề Liên minh châu Âu của Thụy Điển Hans Dahlgren đánh giá, hội nghị năm 1972 chính là khởi đầu cho xu hướng hợp tác quốc tế sau này với kết quả là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo ông Dahlgren, so với 50 năm trước, thế giới ngày nay đã nhận thức được tính cấp thiết của việc ứng phó với vấn đề môi trường.

Đặc biệt, bên lề Hội nghị toàn cầu Stockholm+50, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault và Bộ trưởng Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Ấn Độ Bhupender Yadav đã ký Bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác song phương về hành động khí hậu, bảo tồn và bảo vệ môi trường. Theo đó, 2 Quốc gia nhất trí hợp tác, trao đổi thông tin và chuyên môn, cũng như hỗ trợ tham vọng trong nhiều lĩnh vực bao gồm tăng công suất năng lượng tái tạo, khử carbon trong các ngành công nghiệp nặng, giảm ô nhiễm rác thải nhựa, hỗ trợ quản lý hóa chất và đảm bảo tiêu dùng bền vững.

Bộ trưởng Môi trường Kenya, Keriako Tobiko cho biết: “Nhiều ý kiến và thông điệp táo bạo xuất hiện trong 2 ngày hội nghị diễn ra đã thể hiện mong muốn xây dựng tương lai cho con cháu chúng ta trên hành tinh này, hành tinh duy nhất của chúng ta”.                          

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi chuyển đổi môi trường và kinh tế khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO