Kết quả đánh giá tác động giới trong các dự án thủy điện

25/11/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 25/11, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá tác động giới trong các dự án thủy điện tại Lào và Việt Nam.

Báo cáo Cân bằng giới - Đánh giá tác động của các thủy điện trên sông Srêpok đã chỉ ra: Tác động của thủy điện khiến cho phụ nữ khó khăn nhiều trong cuộc sống kinh tế, sức khỏe và tinh thần.  Nguyên nhân chính là do các dự án phát triển năng lượng này nghiêng về phần cứng trong khi ít tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, ít huy động được sự tham gia của cộng đồng và chưa nhận thức đầy đủ vấn đề về giới. Trong khi đó, các dự án thủy điện hiện nay không quan tâm đến vấn đề giới.

Để phát triển tốt không thể dựa trên sự bất cân bằng về giới mà trước hết cần nhận thức đúng và áp dụng  các chỉ tiêu về giới trong hoạt động phát triển thủy điện hiện nay. Vì vậy, tháng 11/2015 tổ chức CEWAREC phối hợp với CSRD thực hiện nghiên cứu tác động giới trong các dự án thủy điện trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhóm nghiên cứu gồm có cán bộ CSRD, Công ty CP Thủy điện miền Trung (EVNCHP), OXFAM, nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội, Liên hiệp khoa học kỹ thuật Thừa Thiên Huế, Hội Phụ nữ huyện A Lưới...

Bà Phan Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo
Bà Phan Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Chia sẻ về kết quả khảo sát, bà Phan Thị Ngọc Thúy, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội cho biết, mặc dù EVNCHP đã đầu tư khá nhiều nguồn lực vào địa bàn huyện A Lưới nhưng các vấn đề giới và nhạy cảm giới chưa được chú trọng trong quá trình thiết kế, thực hiện chương trình đền bù, hỗ trợ tái định cư của thủy điện A Lưới.

Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nữ giới trong các hợp phần của dự án từ khâu quy hoạch, triển khai đến thực hiện giám sát dự án là rất mờ nhạt. Nữ giới ít có cơ hội nói lên các vấn đề quan tâm và nhu cầu của mình. Hầu như không có bất kỳ cuộc họp tham vấn riêng dành cho nhóm nam và nhóm nữ mà ở đó mỗi giới có thể trao đổi, đề xuất các ý kiến của mình một cách thoải mái nhất.

“Từ nghiên cứu này hy vọng chủ đầu tư dự án là EVNCHP, Nhà máy thủy điện A Lưới và các cơ quan nhà nước lưu ý quan tâm đến vấn đề giới trong quá trình ra quyết định” - bà Phan Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh.

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả đánh giá tác động giới trong các dự án thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO