Kết nối cung cầu: Động lực thúc đẩy kinh tế miền Trung – Tây Nguyên

22/09/2017 00:00

(TN&MT) - Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố, chiếm gần 30% diện tích tự nhiên và 17% dân số cả nước. Là vùng đất có nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu chan hòa, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành chủ lực. Trong thời gian qua, nhờ chương trình kết nối cung cầu, các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện.

Nhiều thành công nhờ kết nối cung cầu

Hội nghị kết nối cung cầu đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương và đặc biệt là sự tham gia, phối hợp nhiệt tình của Sở Công thương các tỉnh thành. Quy mô của các chương trình kết nối cung cầu đã mở rộng toàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh thành phố trên khắp cả nước và mở ra nhiều hoạt động đồng hành đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Qua 4 hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức từ năm 2014 đến nay đã có 109 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp tại Hội nghị
Qua 4 hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức từ năm 2014 đến nay đã có 109 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp tại Hội nghị

Qua 4 hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức từ năm 2014 đến nay đã có 109 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp tại Hội nghị, riêng năm 2016 có 51 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm được ký kết, đồng thời còn nhiều hoạt động  liên kết, hợp tác, hỗ trợ cụ thể giữa các doanh nghiệp được mở ra. Có 73 biên bản ghi nhớ đã được triển khai thực hiện hiệu quả với tổng giá trị hơn 372 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2017, các tỉnh thành trong khu vực đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thương mại, sự kiện trong các dịp lễ, tết và phục vụ mùa du lịch: Các hội chợ khu vực, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương trình thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với các chương trình bán hàng khuyến mãi tại các siêu thị lớn, các phiên chợ hàng Việt...đã góp phần thúc đẩy thị trường sôi động, tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó một số tỉnh tăng trưởng cao từ 13% trở lên.

Sở Công thương các tỉnh, thành thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm khách hàng, xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Từ đầu năm tới nay, toàn khu vực đã tổ chức được 73 hội chợ, hỗ trợ 60 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước.

Kết nối cung cầu đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đồng thời thúc đẩy làn sóng người Việt dùng hàng Việt
Kết nối cung cầu đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đồng thời thúc đẩy làn sóng người Việt dùng hàng Việt

Thông qua hội nghị kết nối cung cầu, các Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Du lịch/Đầu tư đã phát huy được vai trò đầu mối, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, liên kết, hợp tác, trao đổi thông tin... Tuy nhiên, dù có nhiều kết nối được hình thành nhưng số lượng vẫn còn hạn chế, ngành nghề hợp tác chưa hoàn thiện; liên kết hợp tác chỉ mới dừng lại chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại. Chưa hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất. Một số doanh nghiệp còn e ngại, chưa thực sự cởi mở, chia sẻ thông tin...

Bên cạnh những thành công to lớn mà hội nghị kết nối cung cầu mang lại thì vẫn còn nhiều tồn tại cần được tháo gỡ để kết nối cung cầu thực sự là điểm đến hữu ích của các doanh nghiệp, là cầu nối cho doanh nghiệp mở rộng giao thương.

Để kết nối cung cầu ngày càng đạt hiệu quả

Với những thành công đã có, để hoạt động kết nối cung cầu ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và tạo hiệu ứng mạnh mẽ cần có sự quan tâm đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể và hiệp hội doanh nghiệp...

Bên cạnh đó cần cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng, quy mô sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của các kênh phân phối và khách hàng. Đồng thời tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu theo mô hình chuyên sâu vào trong lĩnh vực, ngành nghề như nông sản thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, dệt may da giày, thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền, các lĩnh vực dịch vụ... với quy mô có thể nhỏ hơn nhưng chuyên sâu hơn, tập trung hơn nhằm thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác và kết nối cung cầu.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường hoạt động liên kết vùng miền, kết nối cung cầu giữa các địa phương, đồng thời chủ động khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung – cầu theo chuyên ngành tại địa phương được cập nhật thường xuyên và tiến tới tích hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin với nhau phục vụ hoạt động kết nối cung cầu của doanh nghiệp trong vùng và trên cả nước nhằm làm giảm thời gian, áp lực trong công tác chuẩn bị cho các hoạt động kết nối.

Đối với các hoạt động kết nối cung cầu nên tổ chức theo hình thức chuỗi kết hợp nhiều sự kiện, hoạt động phong phú, đa dạng kể cả văn nghệ, thể thao. Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, chi phí tham gia, đồng thời có cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đối tác hơn. Từ đó sẽ cộng hưởng, nâng cao hiệu quả và tính lan tỏa của chương trình.

Bài và ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối cung cầu: Động lực thúc đẩy kinh tế miền Trung – Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO