Kết nối cộng đồng tạo sức mạnh tổng thể ứng phó BĐKH

Khánh Ly| 24/11/2022 21:47

(TN&MT) - Những sáng kiến hay và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đưa ra cách tiếp cận mới với những lĩnh vực đang còn bị bỏ ngỏ có thể giúp phát huy sức mạnh của cộng đồng trong giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam. Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo tổng kết và nâng cao năng lực thành viên Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA), diễn ra ngày 24/11, tại Hà Nội.

Hưởng ứng tinh thần “Cùng nhau hành động” của Hội nghị COP 27, Hội thảo nhằm kết nối, tăng cường hợp tác đa bên giữa nhà hoạt động chính sách, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có chung mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0. Các đại biểu đã cùng thảo luận về 3 vấn đề trọng tâm có nhiều tiềm năng cải thiện mức đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải tại Việt Nam, bao gồm: Tài chính xanh, thực trạng thị trường điện và công trình cân bằng năng lượng.

cac-dien-gia-tham-gia-thao-luan-tra-loi-cau-hoi-cung-cac-quy-vi-tham-du.jpg
Các diễn giả chia sẻ về các chủ đề chính tại Hội thảo

Nhấn mạnh yêu cầu phát triển tài chính xanh, trái phiếu xanh, bà Jessica Nga Trần, Giám đốc điều hành toàn quốc Quỹ Đầu tư Clime Capital cho rằng, trái phiếu xanh là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp có được nguồn tài chính khí hậu. Việt Nam đang rất nỗ lực để khơi dậy tài chính xanh, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, trong 80% tổ chức tín dụng tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh, chỉ có 13,1% đã xây dựng được quy trình bảo lãnh cho khoản vay xanh.

Thời gian gần đây, các cơ quan của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối với các định chế tài chính, đối tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các chính sách liên quan cũng dần được hoàn thiện hơn. Điển hình, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có các quy định đột phá liên quan đến phân loại dự án xanh, dựa trên tiêu chí môi trường đầu tư và cấp giấy phép; kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường và ứng phó; khuyến khích áp dụng các kỹ thuật tốt, công nghệ mới. Các quy định kiểm toán môi trường và các cơ chế tăng cường tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Luật cũng quy định ưu đãi về thuế, quỹ, đất đai, phí kinh doanh; đồng thời, điều chỉnh các hoạt động của các ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Có thể kỳ vọng thị trường tài chính xanh sẽ tạo sức bật đáng kể cho việc triển khai các giải pháp giảm phát thải tại Việt Nam trong thời gian tới.

duc05260.jpg
Các đại biểu chia nhóm cùng thảo luận về nhu cầu hành động ứng phó biến đổi khí hậu

Chia sẻ về thực trạng thị trường điện tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Lê Hồng Lâm đến từ Đại học Đà Nẵng cho biết, tỷ trọng năng lượng tái tạo thâm nhập vào hệ thống điện đã và đang tăng nhờ sự hỗ trợ của giá FIT1 áp dụng cho điện gió hoặc FIT 1 và 2 áp dụng cho điện mặt trời. Tuy nhiên, giá FIT thường chỉ được sử dụng trong giai đoạn nhất định, sau đó, sẽ chuyển sang cơ chế giá khác mang tính cạnh tranh hơn.

Công suất được huy động gián tiếp và không tham gia thị trường điện còn khá cao (gần 50%). Ông Lâm đề xuất, Việt Nam có thể áp dụng cơ chế đấu thầu NLTT ngoài giá FIT có hoặc không đàm phán. Nếu đàm phán, rủi ro là sự án có thể bị trì hoãn dự án do thời gian đàm phán dài. Còn nếu không đàm phán, dự án gặp rủi ro về giá chào quá thấp và không thể hoàn thành. Nhà đầu tư sẽ phải thay đổi chiến lược chào giá để tối đa hóa lợi nhuận, và việc xác định xây dựng các nhà máy mới cần cẩn trọng hơn khi trong khu vực có quá nhiều nhà máy năng lượng tái tạo.

Với chủ đề về công trình cân bằng năng lượng, ông Trần Thành Vũ – Chủ tịch Hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình xây dựng Việt Nam nhận định, Việt Nam hiện mới chỉ bắt đầu gieo những “hạt giống” đầu tiên cho công trình cân bằng năng lượng. Cần trải qua sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh nghiệm của các bên chuyên ngành để nuôi dưỡng thành những cây trưởng thành. Cách làm không phải quá khó khăn nhưng chúng ta phải rất chặt chẽ trong khâu thiết kế công trình có đủ được mức tiết kiệm năng lượng đạt mục tiêu của quốc gia.

Mặc dù, đã có quy định về thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nhưng mới dừng ở việc khuyến khích, chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thực tế. Việt Nam sẽ cần đầu tư những dự án mới để cải thiện các điểm yếu cả về vĩ mô và vi mô, có thể thí điểm 1 vài công trình cân bằng năng lượng đầu tiên, tức là công trình sản xuất ra năng lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của chính nó.

ba-pham-cam-nhung-chairwoman-cua-lien-minh-hanh-dong-vi-khi-hau-viet-nam-vcca-1-.jpg
Bà Phạm Cẩm Nhung - Quản lý Chương trình năng lượng và Khí hậu (WWF), thành viên sáng lập VCCA phát biểu tai hội thảo 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia 4 nhóm thảo luận về những vấn đề liên quan đến chính sách, xã hội, doanh nghiệp và công chúng quan tâm khác. Các nhóm cùng trao đổi về hoạt động vì khí hậu dự kiến trong năm 2023, các đề xuất về các chủ đề nâng cao năng lực và kiến nghị tăng cường chất lượng hoạt động của VCCA.

Theo bà Phạm Cẩm Nhung - Quản lý Chương trình năng lượng và Khí hậu (WWF), thành viên sáng lập VCCA cho biết, Liên minh sẽ đồng hành cùng chính phủ, cộng đồng hướng đến các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Các hoạt động của VCCA nhận được sử hưởng ứng tham gia của nhiều đơn vị thành viên là các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội, các viện, trường đại học, doanh nghiệp cũng như các đơn vị cấp thành phố. Đây là cơ sở để VCCA xây dựng Kế hoạch hoạt động trong năm 2023 phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam và phát huy thế mạnh của các đơn vị thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối cộng đồng tạo sức mạnh tổng thể ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO