Kết nối con người và thiên nhiên Thủ đô

09/05/2017 00:00

(TN&MT) – Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và các hoạt động nhân ngày Đa dạng sinh học thế giới 22/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thân thiện với môi trường Thủ đô” vào sáng 9/5, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch HUSTA cho biết, hội thảo đề cập tới hai thông điệp rất quan trọng liên quan đến Ngày Đa dạng sinh học Quốc tế và Ngày Môi trường Thế giới: “Đa dạng sinh học – Du lịch bền vững” và “Kết nối Con người với Thiên nhiên”. Đây là dịp để các chuyên gia,  nhà khoa học thảo luận và đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du  lịch bền vững của Thủ đô.

, GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
, GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn đa dạng sinh học, nhiều văn bản chính sách được ban hành nhưng hiện nay đa dạng sinh học ở nước ta đang trên đà suy giảm, suy thoái. Nguyên nhân là do việc khai thác quá mức, trái phép và buôn bán tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cùng với sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai, sinh cảnh bị chia cắt do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng, thủy điện…

Do vậy, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và TP.Hà Nội nói riêng là vấn đề cần chú trọng nhằm bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ, bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chỉ rõ sự cần thiết phải trả lại bầu không khí trong lành cho người dân Hà Nội. Ông cho biết, hiện nay bầu không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, đặc biệt là ô nhiễm bụi và mùi hôi bốc lên từ các miệng cống rãnh, nước ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm…gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái và làm giảm sức hút du lịch của Hà Nội.

Đó là hệ quả của sự phát triển công nghiệp, công trường xây dựng mọc khắp Thủ đô và phố phường tràn ngập các ô tô, xe máy…Việc phục hồi bầu không khí trong lành của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là một việc rất khó nhưng không phải là bất khả thi, nếu có sự quyết tâm cao, sự đồng lòng của các nhà quản lý, nhà khoa học và chung tay của cộng đồng dân cư.

Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng Phòng Quản lý Dự án và Truyền thông (Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) phát biểu về tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học thích ứng với BĐKH tại xã Hương Trà, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng Phòng Quản lý Dự án và Truyền thông (Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) phát biểu về tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học thích ứng với BĐKH tại xã Hương Trà, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Cùng với đó, việc xử lý triệt để nước thải cũng là vấn đề cấp bách của Hà Nội theo định hướng kết nối con người với thiên nhiên. GS.TS Trần Hiếu Nhuệ -Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường (VACNE) đề xuất, cần cải thiện chất lượng môi trường các ao hồ, kênh mương, sông để đảm bảo môi trường nước mặt Thủ đô trong sạch, đảm bảo cảnh quan đô thị;

Mặt khác, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước trong đô thị. Các khu đô thị mới, chung cư cao tầng cần tiếp tục đầu tư các trạm xử lý nước thải với công nghệ đảm bảo đáp ứng quy chuẩn nước thải trước khi xả ra môi trường. Có như vậy, vấn đề nước thải đô thị mới hoàn toàn được hóa giải.

Quan cảnh Hội thảo sáng 9/5
Quan cảnh Hội thảo sáng 9/5

Ngoài ra, hiện nay toàn thành phố có khoảng gần 150.000 cây xanh bóng mát, đây là tỷ lệ còn thấp so với các nước phát triển. Với một thành phố đông dân cư và tập trung như Hà Hội, việc tăng số lượng và diện tích cây xanh cũng là cần thiết để giảm mức đô ô nhiễm môi trường. Để làm được điều này, trước hết phải nhanh chóng kiểm kê đánh giá tình hình cây xanh và cây cổ thụ Hà Nội từ các quận nội thành đến các huyện.

Tin & ảnh: Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối con người và thiên nhiên Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO