Khoáng sản

Huyện Yên Lập, Phú Thọ: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

Minh Phạm 20/07/2018 17:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Yên Lập được quan tâm chú trọng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều hành vi vi phạm, qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý và góp phần phát triển KT-XH.

Hiện, toàn huyện có tổng số 23 điểm mỏ và quặng nằm rải rác ở các xã, gồm 14 mỏ đá, 2 mỏ than bùn, 3 mỏ quặng sắt, 3 mỏ chì kẽm, 1 mỏ chì bạc. Trong đó, UBND tỉnh cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản theo thẩm quyền và đã tổ chức phê duyệt trữ lượng theo quy định, gồm 14 mỏ đá và 1 mỏ quặng sắt; 8 mỏ than bùn, quặng sắt, chì kẽm, chì bạc còn lại chưa được cấp phép. Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát đối với khoáng sản được cấp.

ximang_khaithackhoangsan.jpg
Khai trường khai thác đá tại mỏ đá Nhà Xe của Công ty Cổ phần xây dựng và khai thác đá Mỹ Lung, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập.

Theo ông Hoàng Hồng Quang - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân không tham gia khai thác khoáng sản trái phép, kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong việc khai thác khoáng sản, hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý TNKS theo chức năng, nhiệm vụ được quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp khai thác mỏ có đầy đủ giấy tờ pháp lý về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục pháp lý về đất đai đối với tại khu vực khai thác chế biến. Nguồn nước quanh mỏ khai thác đá đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành.

Căn cứ công tác điều tra, khảo sát địa chất, UBND huyện phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tiến hành lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, định hướng 2030 với mục tiêu nhằm quy hoạch các khu vực có khoảng sản phân tán, nhỏ lẻ; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn ở 3 lĩnh vực thăm dò, khai thác, sử dụng.

20-1630292859-khai-thac-dat-gay-o-nhiem-moi-truong.jpg
Hầu hết các doanh nghiệp khai thác mỏ có đầy đủ giấy tờ pháp lý về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Đối với những mỏ đã cấp phép khai thác nhưng chưa thăm dò mà khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, sau khi rà soát các quy định của Nhà nước, huyện đề xuất thực hiện thu hồi và đóng cửa mỏ khi giấy phép hết hạn.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc sử dụng tài nguyên ngày càng tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật, công tác bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, nhờ đó đã giải quyết được nhiều tồn tại trong quản lý sử dụng tài nguyên, giải quyết được cơ bản các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Ở các nơi khai thác khoáng sản, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép và giao đất đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Các đơn vị khai thác sử dụng 60 - 70% công nhân lao động địa phương với thu nhập bình quân 35 - 45 triệu đồng/người/năm; tích cực phối hợp xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng các tuyến đường liên thôn mà đơn vị tham gia vận chuyển khoáng sản, quan tâm đến đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường, tích cực nộp ngân sách Nhà nước về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Yên Lập, Phú Thọ: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO