Huyền thoại các vị “Vua săn voi”

Đình Du | 07/08/2021, 10:13

(TN&MT) - Cạnh dòng sông chảy ngược Sê-rê-pốk, dưới chân dãy núi Yang hùng vĩ thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là nơi các Gru (dũng sĩ săn voi - PV) săn bắt voi rừng trứ danh cất tiếng khóc chào đời. Lúc sống họ oai phong lẫm liệt thu phục loài mãnh tượng, còn khi thành người thiên cổ, nơi “yên giấc ngàn thu” cũng ẩn chứa nhiều điều lạ lẫm.

Về vùng đất “vua voi”

Lên Tây Nguyên mà không đến nhà dũng sĩ săn voi Amakông ở Bản Đôn thì xem như chưa đến xứ sở đại ngàn. Hiện ngôi nhà sàn cổ của ông được người con gái Me Lĩnh cai quản, lưu giữ các dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.

Theo Me Lĩnh, thuở xưa có một người đàn ông từ Lào ngược xuôi trên dòng sông Sê-rê-pốk tới buôn bán rồi cưới một cô gái người M’nông. Đôi vợ chồng dựng nhà trên một cồn đất nhỏ cạnh sông Sê-rê-pốk, đặt tên là Bản Đôn. Trong số các người con của họ, Y Thu Knul (sinh năm 1828 - 1938) có sức khỏe hơn người, thông minh, vì vậy, những người trong buôn suy tôn ông làm tù trưởng.

Nương rẫy Bản Đôn ngày đó thường bị voi rừng kéo đến phá hoại nên Y Thu Knul kêu gọi những chàng trai dũng cảm trong Bản tham gia săn bắt, thuần dưỡng để làm phương tiện vận chuyển hàng hóa. Y Thu Knul săn được một con voi trắng có hai ngà màu hổ phách. Sau khi thuần chủng ông mang tặng con bạch tượng này cho Vua Xiêm (Thái Lan ngày nay) và được Vua Xiêm tặng rất nhiều của cải, ban tước hiệu là “Vua săn Voi”.

Khu lăng mộ ông tổ săn voi rừng Y Thu Knul.

Trong cuộc đời 110 năm của mình, vị “Vua săn voi” rong ruổi khắp bán đảo Đông Dương săn bắt hơn 400 con voi rừng, ông còn sưu tập được vô số các loại dược liệu làm thuốc quý để kéo dài tuổi thọ. Người kế tục danh hiệu “Vua săn voi” của ông là người con rể Ama Kông. Với kinh nghiệm từ cha vợ sau các chuyến săn bắt voi rừng, Ama Kông bắt được 301 con voi rừng, trong đó có 3 con voi trắng, một con tặng cho Vua Bảo Đại. Với thành tích tham gia kháng chiến, tặng voi cho cán bộ chở lương thực và thương binh, Ama Kông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

“Cha là con trai của tù trưởng có thế lực, giàu có, lúc nhỏ ông đi học trường Tây. Học được 7 năm, ông không thích làm quan nên bỏ về Bản Đôn cùng các dũng sĩ khác đi săn voi rừng. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng như: M’nông, Pháp, Lào, Campuchia, tiếng Gia Rai, tiếng Êđê và tiếng Kinh. Lúc cha tôi còn sống người ta đến nhà chầu chực để ông tiết lộ bài thuốc tráng dương bổ thận, kéo dài tuổi thọ. Khi ở tuổi ngoài 80, ông ấy vẫn cưới được người vợ xinh đẹp trẻ hơn 50 tuổi. Ông từng uống rượu và đi săn với vua Bảo Đại, Hoàng thân Xi-Ha-Núc của Campuchia”, Me Lĩnh nói.

Thung lũng Gru…huyền bí

Khi chúng tôi đề cập đến nơi an táng của các dũng sĩ săn voi ở buôn Trí thuộc xã Krông Ana thì sắc mặt Me Lĩnh thoảng chút sợ sệt bởi nơi đó người M’nông gọi là vùng đất thiêng. Me Lĩnh tiết lộ, cứ bám theo con đường mòn đất đỏ chạy dọc sông Sê-rê-pốk mà đi, khi nào thấy trong rừng vun vút những chóp nhọn bằng bê tông thì đó là nơi yên giấc của các chiến binh săn voi hùng dũng một thời.

Để đến thung lũng Gru nhanh hơn, chúng tôi cắt rừng đi đường tắt rồi men theo bờ sông Sê-rê-pốk. Dòng sông này nằm dưới chân dãy núi Yang hùng vĩ, uốn lượn hình vòng cung, nhìn xa tựa như bộ ngực vạm vỡ của chàng Đam San ưỡn ra che chắn cho buôn làng. Điều lạ lẫm ở chỗ dòng sông không xuôi dòng ra biển Đông mà chảy ngược lên hướng thượng nguồn đổ vào Biển Hồ bên nước bạn Campuchia.

Di ảnh và dụng cụ săn mãnh tượng của các dũng sĩ săn voi huyền thoại Ama Kông.

Trong không gian tĩnh lặng của Thung lũng Gru có thể nghe rất rõ tiếng lá cây khô rơi rụng hay tiếng động của những con thú giẫm lên cành cây khô phát âm thanh…rắc rắc. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi yên nghỉ những huyền thoại săn voi rừng nằm dưới chân núi Yang. Quần thể các lăng mộ khổng lồ hình tháp với chóp nhọn mà chỉ cần thoạt nhìn cũng đủ biết đó là nơi an nghỉ của bậc vương giả chốn rừng sâu. Ở rừng ma Buôn Trí, ngoài các lăng mộ còn có những mộc nhân ngồi chống cằm, khuôn mặt, ánh mắt buồn rười rượi, thể hiện thân nhân người quá cố nhớ thương khi có người thân chia lìa nhân thế.

Về ý nghĩa biểu tượng chim công - ngà voi, người M’nông cho rằng, loài voi rất thông minh, trung thành, gắn bó với họ từ khi chào đời đến lúc theo tiếng gọi của tổ tiên. Cặp ngà voi tượng trưng cho sức mạnh của các Buôn làng. Còn chim công có màu sắc rực rỡ nên được dùng làm cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh, dẫn dắt linh hồn người M’Nông thẳng tới cõi tuyền.

Nổi bật nhất trong số các lăng mộ là của Y Thu Knul và người từng “nâng khăn sửa túi” cho mình. Hai lăng mộ này được thiết kế, xây dựng rất đặc biệt, có đường hầm bí mật dẫn vào bên trong được khắc họa các dòng chữ Pháp và tiếng M'nông…

Hẹn ngày trở lại

Chỉ vào đường hầm của tháp mộ, ông Y’Hun, một người đi rừng cho biết, nơi an nghỉ của người M’Nông không ai được phép vào vì sợ kinh động hồn ma. Nhưng luật tục vẫn nhưng không đủ sức ngăn chặn được lòng tham của con người. Hai lăng mộ vợ chồng “Vua săn voi” bị kẻ gian lẻn vào lấy báu vật mà vua Xiêm La, Vua Bảo Đại, các tù trưởng gửi tặng, của cải từ tục chia của cho người chết.

Voi đưa du khách tham quan bên dòng sông Sê-rê-pốk.

Gần đó, lăng mộ của cụ Y Dot Knul (81 tuổi) không kém cạnh lăng mộ “Vua săn voi”. Mộ xây kiên cố, chóp hình chữ V ngược, tường mộ được trang trí hoa văn bí hiểm và được khắc hình ba chú voi ngà dài đang trong thế ung dung rảo bước giữa rừng già. Trên mộ còn có hai chiếc chuông đại, dưới là con hắc tượng (voi đen) ngà dài, dáng uy dũng, trước mộ có bốn con công ngồi trên ngà voi, là biểu trưng của người giàu có, uy tín, được dân làng nể trọng. Bảng thành tích cụ Y Dot Knul tự khai hoang 5 ha ruộng, đâm bò rừng được 36 con, săn 28 voi rừng.

Cũng theo Y’Hun, tháng 11/2012, “Vua voi” Ama kông qua đời, ai cũng nghĩ ông sẽ nằm cạnh các dũng sĩ săn voi ở dưới chân núi Yang, nhưng người M'nông theo chế độ mẫu hệ nên “Vua voi” được an táng bên mộ phần của người vợ đầu quá cố tại Bản Đôn.

Ông tổ khai sinh nghề săn bắt, thuần chủng voi rừng Y Thu Knul và con rể “Vua săn voi” Ama Kông bắt được hơn 700 con voi rừng, được Vua Thái Lan, Vua Bảo Đại và hoàng thân quốc thích Campuchia nể phục, tặng nhiều vàng bạc châu báu.

Tại thung lũng an nghỉ của những Gru huyền thoại, trước những ngôi mộ bề thế với hình ảnh loài voi rừng hiện diện khắp nơi gắn liền với chiến tích của người nằm dưới mộ, có lẽ bất kỳ ai đến tham quan đều có cùng cảm giác ấn tượng đến ngỡ ngàng. Khu lăng mộ kỳ bí này đã góp phần tô đậm thương hiệu làng voi Buôn Đôn, nhắc nhở con cháu người M'nông sống bên dòng sông Sê-rê-pốk tự hào về một thế hệ cha ông kiên cường, cần mẫn.

Trời chếch bóng, mây mù phủ kín đỉnh núi Yang. Chúng tôi rời “đế chế Gru” trong cơn mưa nặng hạt. Dù rất muốn khám phá nhưng đành phải ra về mà lòng vẫn hẹn một ngày trở lại. Có những vùng đất đến một lần và nhớ mãi, Buôn Đôn với điểm nhấn “thung lũng Gru” bí hiểm là một nơi như thế!

Bài liên quan
  • Voi Tây Nguyên: Biểu tượng văn hoá đang bị đe dọa
    (TN&MT) - Khoảng 10 năm trở lại đây, nạn săn bắt voi trái phép, phá rừng diễn ra trên diện rộng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của loài voi - một biểu tượng văn hóa Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO