Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên): Siết chặt quản lý tài nguyên đất

Đức Nam| 06/10/2019 08:49

(TN&MT) - Thời gian gần đây, huyện Phú Bình tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư. Huyện đã đón nhận nhiều nhà đầu tư đến địa phương để thực hiện các dự án lớn nhỏ như xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông… Do vậy, nhu cầu về đất đắp nền trở thành cơn sốt cao. Trong khi đó, số lượng mỏ đất chính thức được đấu giá, cấp phép lại khá khiêm tốn. Điều này khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình để cung cấp cho các dự án và phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý song vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Thực tế rất cần có giải pháp tốt để ngăn chặn tình trạng khai thác đất trái phép và để tháo gỡ khó khăn cho địa phương đảm bảo tiến độ thi công các công trình dự án.

1 (1)
Xe chở đất lậu từ xã Tân Hoà, huyện Phú Bình chạy như bay trên Quốc lộ 37 về huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Huyện Phú Bình nằm án ngữ ở vị trí đắc địa, phía Tây giáp khu công nghiệp Yên Bình, khu công nghiệp Điềm Thuỵ, phía Đông bám quốc lộ 37 thông thương với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Phú Bình để đầu tư. Cơn sốt đất đắp nền phục vụ các dự án đã bùng lên từ năm 2018 đến nay. Tình trạng các đầu nậu đất ngày đêm phá hoại nhiều đồi, núi ở các xã trong huyện lấy đất trái phép bán cho các nhà thầu diễn ra ngang nhiên. Đoàn xe hàng chục chiếc chở đất chạy ầm ầm, phá đường giao thông nông thôn, gây mất an toàn giao thông, gây bụi, ô nhiễm môi trường khiến nhân dân rất bức xúc. Tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra ở nhiều nơi như xã Dương Thành, Thanh Ninh, Kha Sơn, Nga My, Úc Kỳ, Điềm Thuỵ, Bảo Lý, Tân Thành, Tân Hoà…Thực tế đã có nhiều vụ việc tranh chấp lẫn nhau, bán phá giá đất đắp nền gây mất an ninh trật tự địa phương khiến nhân dân sở tại lo ngại.

3 (1)
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn của huyện Phú Bình thực hiện ký cam kết ngăn chặn khai thác đất trái phép tại địa phương.

Để ngăn chặn mọi hoạt động khai thác tài nguyên đất trái phép làm vật liệu xây dựng đắp nền các công trình, UBND huyện Phú Bình đã tổ chức hội nghị ký cam kết giữa lãnh đạo 20 xã thị trấn với UBND huyện. Tại hội nghị này, lãnh đạo chính quyền huyện Phú Bình đã chỉ rõ  nhu cầu của người dân trong huyện về sử dụng đất nền, san gạt làm nhà và canh tác là rất lớn, thường xuyên, liên tục. Ước tính có tới 90% số hộ xây dựng công trình nhà ở mới trên địa bàn đều cần sử dụng đất nền. Mặt khác, các dự án đầu tư vào huyện thời gian gần đây tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng đất san nền cao. Trong khi đó, toàn huyện có tới cả nghìn quả đồi đất thấp, nhỏ, dễ khai thác. Mỗi năm có hàng chục trường hợp người dân xin san gạt, hạ thấp đồi đất để thuận tiện cải tạo, canh tác.

2 (1)
Hiện trường một số núi, đồi sau khi ngăn chặn kịp thời nạn khai thác đất trái phép ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.


Điều đáng nói là, đến nay mới có 2 doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ đất trên địa bàn huyện. Hai mỏ đất này đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cấp phép. Nhận thấy nhu cầu của người dân cao, các chủ phương tiện đã lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để khai thác và vận chuyển đất san lấp đi tiêu thụ. Lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của huyện và các xã hiện nay khá mỏng, theo thẩm quyền chỉ xử phạt vi phạm hành chính, nên không đủ sức răn đe. Vì thế, giải pháp tối ưu đặt ra cho các xã, thị trấn là lãnh đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn; phải chịu trách nhiệm trước Đảng, chính quyền cấp huyện nếu để xảy ra vấn nạn trộm cắp đất ở địa phương. Chủ tịch UBND xã, thị trấn đã ký cam kết không để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn. Đây là giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ siết chặt quản lý tài nguyên đất ở các xóm, xã. Tuy nhiên, khi hỏi về những khó khăn trong quản lý tài nguyên đất trên địa bàn xã Tân Thành, bà Nguyễn Thị Thu Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành đã cho biết:  Tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã đã diễn ra từ năm 2018, sau đó tạm lắng xuống. Thời gian gần đây lại bùng phát trở lại, xã đã phạt ba trường hợp, mỗi trường hợp bốn triệu đồng. Thẩm quyền xử lý vi phạm của xã rất thấp. Nhiều đối tượng bị xử lý hành chính xong về lại tiếp tục cho máy múc xúc đất đồi bán. Cán bộ chức năng đến hiện trường lập biên bản vi phạm nhưng tình trạng khai thác đất vẫn diễn ra. UBND xã điều động tổ cán bộ ra đường chặn ô tô vận chuyển đất trái phép vào ban đêm, ngày nghỉ, nhưng những xe này không dừng, lao thẳng vào cán bộ... Tình trạng này làm cho uy tín của chính quyền xã giảm sút nghiêm trọng.

Phú Bình cũng đã được quy hoạch 25 điểm mỏ đất, trong đó có 6 điểm mỏ đã có chủ trương cho phép đấu giá và tiến hành các thủ tục khai thác. Tuy nhiên, số doanh nghiệp mặn mà tham gia còn rất ít. Lý do là bởi hầu hết các mỏ đất ở Phú Bình có diện tích nhỏ, trữ lượng ít, trong khi thủ tục thực hiện các bước để được cấp phép khai thác còn rườm rà, mất nhiều thời gian, giá trị tài nguyên đất lại không lớn.Trước đây, thời gian để cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp thông thường phải mất tới 18 tháng. Gần đây, theo yêu cầu của UBND tỉnh về việc rút ngắn thời gian cấp phép nhằm phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn, các sở ngành đã họp bàn và đi đến thống nhất: Thời gian để được cấp phép khai thác mỏ đất đối với khu vực đấu giá tối thiểu là 254 ngày, tối đa là 786 ngày; khu vực đấu giá thời gian tối thiểu là 309 ngày và tối đa là 879 ngày. Mặc dù đã rút ngắn, nhưng với thời gian như vậy vẫn không hấp dẫn đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp phép.

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã cho biết một số giải pháp và kiến nghị gửi cấp trên cùng các sở ngành liên quan: Huyện đã nắm bắt được tình trạng đất tặc lộng hành ở nhiều địa phương. Huyện đã chỉ đạo lực lượng liên ngành triển khai ngay các tổ công tác xử lý nghiêm mọi đối tượng cố ý khai thác đất trái phép. Đồng thời xử lý trách nhiệm, kỷ luật cán bộ cấp xã, thị trấn, phòng ban chức năng dung túng cho đất tặc lộng hành ở các thôn xóm; Tăng cường kiểm tra siết chặt mọi hoạt động liên quan đến khai thác đất đồi núi… Ông Giao đã kiến nghị:  Để giúp huyện Phú Bình nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung đảm bảo công tác quản lý tài nguyên đất, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan xem xét ban hành các quy định, hướng dẫn đơn giản về thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất thông thường trên cơ sở đảm bảo đúng quy định. Cụ thể, đối với huyện Phú Bình và một số địa phương tương tự, do chủ yếu là các điểm đồi đất nhỏ lẻ, trữ lượng ít, nên cần cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở rút ngắn tối đa thời gian cấp phép khai thác. Như vậy sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu xây dựng ở địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Trước thực trạng như vậy, tỉnh Thái Nguyên cần sớm tạo điều kiện, giảm thiểu các bước không cần thiết, thu gọn hồ sơ cấp phép mỏ đất, giúp các địa phương thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ đúng thời hạn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên): Siết chặt quản lý tài nguyên đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO