Xã hội

Huyện Lắk không còn nghèo nữa...

Phạm Hoài 01/03/2024 - 18:11

(TN&MT) - Huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), đã từng rất nghèo, nằm trong danh sách những huyện nghèo nhất của cả nước. Nhưng chuyện ấy đã xưa rồi, vùng "đất khó" hôm nay nhờ Chương trình giảm nghèo, đã thổi luồng gió mới, biến vùng đất nắng gió, cằn cỗi thành những vùng chuyên canh cây cảnh, cây công nghiệp, người dân cũng từ đó mà văn minh, sung túc hơn...huyện Lắk chính thức thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo...

Là huyện Anh hùng trong những năm chống Mỹ, nằm ở vị trí trọng yếu, an toàn khu cách mạng nhưng thời kỳ đổi mới, huyện lại đối mặt với muôn vàn khó khăn khi dân dông, đất đai không màu mỡ và đa phần là người dân tộc, quanh năm không ra khỏi bản làng... Chính vì trình độ dân trí không đồng đều nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống hằng ngày còn hạn chế, đặc biệt vào sản xuất nông nghiệp, dẫn đến năng suất, chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích thấp, nhiều nhà vẫn phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc...

44.jpg
Nhờ áp dụng các biển pháp khoa học kỷ thuật mà cà phê của người dân ở huyện Lắk đạt năng suất cao

Đứng trước thực trạng địa phương, không ít cán bộ, lãnh đạo huyện đã trăn trở: Đất của mình có vậy thôi, không thể nào “bứng” Lắk sang một vùng đất khác như cách mà các già làng vẫn nói khi bàn về việc cải thiện đất; người dân của mình cũng vậy, không thể thay những con người này bằng những con người bằng xương bằng thịt khác… Nhưng, như thế nghĩa là chấp nhận nghèo đói mãi ư? Tại sao cũng nhiều địa phương còn khó khăn hơn gấp bội mà họ còn thoát được nghèo? Tại sao mình không làm được.

Cái gì không thể thay đổi được bằng hình thức thì ta thay đổi bản chất, tư duy. Thậm chí phải biến những khiếm khuyết, hạn chế thành lợi thế. Đấy là tinh thần mà Đại hội Đảng các cấp 2020 – 2025 thổi vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp và người dân huyện Lắk. Một trong những giải pháp trọng tâm được đặt ra đó là phải thay đổi tư duy sản xuất, phải ứng dụng các khoa học công nghệ vào sản xuất, phải xóa bỏ tư duy canh tác, sản xuất lạc hậu và cũ kỹ và đặc biệt phải tạo nòng cốt làm kinh tế trong đồng bào để người dân có động lực, niềm tin.

Nông Văn Tài chính là một trong những thanh niên tiêu biểu vươn lên thoát nghèo, là tấm gương sáng, tạo động lực cho nhiều người dân tin tưởng làm theo. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng gió tại xã Buôn Triết, huyện Lắk, chàng trai người Tày tên Nông Văn Tài luôn khát khao biến mảnh đất hoang sơ ngày nào cha, mẹ để lại trở thành một vườn cây cảnh có giá, từ đó mang về nguồn thu nhập cao, tạo công ăn việc làm không chỉ cho cá nhân mà còn cho dân bản khác. Vốn có tình yêu với cây cảnh cộng với tính chịu thương, chịu khó mà em Tài đã tự mình đi mua giống về trồng và phát triển nhân giống nhiều loại cây mai quý giá. “Gia đình em nghèo, bố mẹ mất sớm nên bản thân không có đủ điều kiện đi học như bao bạn bè khác nên em quyết tâm phát triển kinh tế bằng niềm đam mê cây cảnh. Em đã được vay vốn, được hỗ trợ kinh phí để học tập về kiến thức, kỹ thuật chăm cây. Bây giờ mỗi năm vườn em cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. “Bà con thích lắm, nhiều người nói với em họ muốn làm như em”. Tài chia sẻ.

3(1).jpg
Em Nông Văn Tài - đang chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình

Tương tự, anh Lò Văn Hùng cũng là một phép tính trong bài toán nòng cốt của địa phương. Gia đình anh vốn trồng hơn 2hecta cà phê từ năm 2004 nhưng ngày trước do quen làm theo kiểu tự phát, không có kỹ thuật và chưa chọn đúng giống nên mỗi năm gia đình anh thu về chưa được 3 tấn nhân cà phê. Trong nỗi thất vọng tràn trề, anh như người "vớ được cọc" khi có sự động viên của địa phương, sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật, và anh quyết tâm làm lại.

Sau nhiều ngày bền bỉ rút kinh nghiệm cộng với sự hỗ trợ của chính quyền và cán bộ kỹ thuật khuyến nông, anh và vợ đã mạnh dạn cải tạo lại rừng rẫy theo hướng cuốn chiếu. Đến nay, sau 7 năm cải tạo, vườn cà phê của anh cho thu hoạch hơn 4 tấn/hecta. “Nhờ sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của cán bộ nhà nước và cả hỗ trợ về tinh thần nên vườn cà phê tôi có nguồn thu tốt. Tôi đã thoát nghèo rồi vươn lên trở thành một trong những hộ có nguồn thu nhập khá của xã”. Anh Hùng chia sẻ với niềm tự hào, tự tin.

4(1).jpg
Người dân phấn khởi vì được sự quan tâm của Đảng, chính quyền trong công tác xoá đói giảm nghèo

Mỗi lần ôn lại câu chuyện năm xưa là mỗi lần Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, huyện Lắk Bùi Mạnh Hải như sống lại trong ký ức. Ông bảo, chuyện xa xưa phải có thời gian cùng ngồi mà ôn nghèo kể khổ với nhau. Còn chuyện gần đây, ấy là ông thực sự an lòng khi trong những năm qua, ông cùng các lãnh đạo địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện của xã, từ đó gặp hái được những "trái ngọt" đầu tiêu. Đó là niềm hạnh phúc và ông cho rằng ông cũng có chút may mắn mà may mắn lớn nhất là tâm huyết của mình đã có những người dân biết lắng nghe và biết làm theo.

Không chỉ ở cấp xã là nơi "gần dân, sát dân" mà các lãnh đạo huyện cũng chính là những con người luôn đau đáu một nỗi niềm tìm cho dân nghèo lối đi riêng, phát triển kinh tế bền vững. Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên, là một trong những người như thế. Ông cho biết, huyện luôn xác định mục tiêu xóa đói gliảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt. Huyện Lắk đặt ra mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm từ 3,5 - 4% hộ nghèo và quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu này trong thời gian sớm nhất.

“Nhiều giải pháp đã được đề ra, song việc quán triệt lãnh đạo huyện, cấp ủy phải là những người "đầu tàu gương mẫu" về thực hiện các giải pháp, sáng kiến giảm nghèo. Để làm được điều này, huyện thường xuyên quán triệt, lãnh đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, xây dựng huyện Lắk phát triển toàn diện. Người dân không chỉ ăn no, mặc ấm và phải văn minh, phát triển bền vững" ông Tuyên tâm sự với chúng tôi...

Năm 2017, toàn huyện có 8.034 hộ nghèo (chiếm 46,72% tổng số dân), đến cuối năm 2021, huyện còn 4.290 hộ nghèo (điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2021), chiếm 22,54%. Như vậy, sau 5 năm, huyện Lắk đã giảm được 3.744 hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm được gần 750 hộ, với mức giảm hơn 4,8%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Lắk không còn nghèo nữa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO