Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2021: Nỗ lực hoàn thiện thể chế, pháp luật tài nguyên và môi trường

Phạm Oanh (thực hiện)| 09/11/2021 11:04

(TN&MT) - Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, năm 2021 là một năm rất đặc biệt, để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp với các biện pháp an toàn phòng, chống Covid-19.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT)

PV: Thưa ông, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của ngành luôn là nhiệm vụ xương sống và trọng tâm, vậy, trong năm 2021, Bộ TN&MT đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật luôn là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm của Bộ TN&MT. Ngay từ cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, trong đó xác định trọng tâm là rà soát, xử lý các quy định vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai và đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Do đó, năm 2021 là năm Bộ TN&MT đã và đang tập trung cao độ mọi nguồn lực để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết.

Mặc dù chưa đến thời điểm trình Quốc hội nhưng trong năm 2021, Bộ TN&MT đã và đang khẩn trương thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2013 để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào năm 2022. Trong năm 2021, Bộ TN&MT cũng đặt mục tiêu hoàn thành và trình Chính phủ thông qua hồ sơ lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Lĩnh vực biển và hải đảo năm 2021 cũng có nhiều đề xuất văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt Bộ TN&MT đã trình Chính phủ 2 Dự thảo Nghị định quy định những chính sách rất mới như quản lý lấn biển thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản…

Người dân đến đăng ký tại Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả Giải quyết thủ tục hành chính (Bộ TN&MT). Ảnh: Hoàng Minh

PV: Trong xây dựng văn bản pháp luật, bên cạnh chất lượng thì yếu tố tiến độ luôn phải đảm bảo. Xin ông cho biết về tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật của Bộ TN&MT, nhất là trong 2021, khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Năm 2021 là năm Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Chính phủ và các địa phương phải thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch với các đợt giãn cách xã hội. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và của Bộ TN&MT cũng đã bị ảnh hưởng nhất định, đặc biệt đối với quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp để lấy ý kiến góp ý đối với các Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có vai trò rất quan trọng để nâng cao chất lượng, tính khả thi cũng như sự đồng thuận của xã hội về Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, để đảm bảo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp với các biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo đó, Bộ TN&MT đã chuyển sang tham vấn ý kiến theo hình thức trực tuyến; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin.

Mặc dù làm việc theo lịch giãn cách xã hội nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự cố gắng và vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trực thuộc Bộ cộng với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tốt nên công tác xây dựng pháp luật của Bộ vẫn bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch.

Để đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TN&MT đã linh hoạt tổ chức các cuộc họp, tham vấn trực tuyến trong quá trình xây dựng văn bản

PV: Được biết, Bộ TN&MT luôn chỉ đạo, công tác pháp chế của Bộ TN&MT phải lắng nghe từ địa phương, cơ sở, giải quyết những bức xúc từ địa phương, cơ sở. Vậy, công tác xây dựng văn bản pháp luật của Bộ đã làm được việc này chưa, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một trong những yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đảm bảo tính khả thi sau khi được ban hành, thông qua nhiều hình thức khác nhau, Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ TN&MT và gửi văn bản lấy ý kiến trực tiếp của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, chuyên gia, cá nhân có liên quan.

Các ý kiến đóng góp đã được Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc, tối đa, đầy đủ trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và bảo đảm tinh thần của Luật. Đối với những nội dung tiếp thu vẫn còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến của các bên có liên quan và tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đồng thời bảo đảm tính khả thi của Nghị định sau khi được ban hành.

PV: Dự kiến trong năm 2022, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Tài nguyên & Môi trường sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Năm 2022, Bộ TN&MT dự kiến sẽ trình Chính phủ, Quốc hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những đạo luật quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây chắc chắn là nhiệm vụ quan trọng nhất, Bộ TN&MT sẽ tập trung cao độ và huy động mọi nguồn lực cho Dự án Luật này. Theo kế hoạch, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba và kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tập trung chuẩn bị Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2023 và lập đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ đề xuất trình Quốc hội vào năm 2024.

Song song với quá trình chuẩn bị, xây dựng các dự án luật quan trọng đề cập ở trên, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; đồng thời chủ động, tích cực đẩy mạnh cải cách, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2021: Nỗ lực hoàn thiện thể chế, pháp luật tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO