Hưởng ứng ngày Khí tượng thế giới (22/3): Nhận thức để hành động

17/03/2015 00:00

(TN&MT) - Để đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất nhân ngày Khí tượng Thế giới, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT vừa gửi công văn phát động tới các Sở TN&MT trong cả nước, với chủ đề “Khí hậu: Nhận thức để hành động” nhằm nâng cao hiệu quả của các thông tin khí tượng thủy văn, cũng như nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý trong việc hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ các thảm họa do thời tiết gây ra.

Quyết liệt trong công tác dự phòng

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, những năm qua, cộng đồng trên thế giới luôn phải vật lộn để phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, mà 90% trong số đó có liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Đáng lo ngại hơn, hiện nay, nhiệt độ khí quyển và đại dương vẫn đang tiếp tục gia tăng, trong khi mực nước biển dâng và khí hậu cực đoan đang “nóng” lên cả về tần suất lẫn cường độ, điều đó chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt vấn nạn tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như làm trì trệ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong thông điệp gửi đến các quốc gia thành viên, ông M.Jarraud, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới cho rằng: BĐKH là nỗi lo chung của toàn nhân loại. BĐKH tác động đến tất các ngành kinh tế - xã hội, từ nông nghiệp đến du lịch, cơ sở hạ tầng đến y tế. BĐKH ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên chiến lược như nước, lương thực, năng lượng. BĐKH cản trở, thậm chí đe dọa sự phát triển bền vững không chỉ riêng đối với các quốc gia đang phát triển. Cái giá của sự bị động là rất cao và sẽ còn cao hơn nếu chúng ta không hành động một cách quyết liệt ngay từ bây giờ.

Tăng cường các hoạt động truyền thông về BĐKH cho người dân vùng biển
Tăng cường các hoạt động truyền thông về BĐKH cho người dân vùng biển

Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng lớn của BĐKH trên toàn cầu. Bởi trong khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,70C và mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. BĐKH cũng đã và đang tác động mạnh đến Việt Nam thông qua các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, rõ rệt nhất là các cơn bão trái mùa, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn.

 Bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam là quốc gia đi đầu hưởng ứng chiến lược giảm thiểu những tác động do BĐKH gây ra, bằng những chính sách lâu dài và hành động cụ thể… Tuy nhiên, việc ứng phó với BĐKH tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có sự chủ quan, bị động… Do đó, việc nâng cao nhận thức về BĐKH để hành động bảo vệ hệ thống khí hậu là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Đơn giản thông tin khí hậu  để hành động đúng

Theo tổ chức khí tượng Thế giới: Ngày nay, từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các dự báo khí hậu theo mùa đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày và ngày càng trở nên chính xác hơn. Những thành tựu này đều nhờ vào sự phát triển của công nghệ viễn thám, của khoa học và sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy tính. Các tiến bộ khoa học khí tượng và khí hậu trong vòng 50 năm qua đã có những thành tựu đáng nể.

Hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn đã và đang hỗ trợ các nhà quy hoạch đô thị xây dựng chính sách và kế hoạch hành động nhằm tăng cường năng lực ứng phó của các thành phố trước thảm họa tự nhiên và hướng tới phát triển kinh tế xanh. Cũng nhờ vào dự báo về xu thế nhiệt độ và lượng mưa, người nông dân có thể lên kế hoạch phù hợp để trồng trọt, cày cấy và giao thương. Các nhà quản lý nguồn nước sử dụng thông tin khí hậu để tối ưu hóa cung cấp nước và phòngs chống lũ lụt. Ngành năng lượng sử dụng thông tin thời tiết để quyết định địa điểm xây dựng và loại nhà máy điện…

Sử dụng các thông tin khí tượng, khí hậu đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong công cuộc ứng phó với BĐKH. Do đó, cần phải lấy thông tin về thời tiết, khí hậu làm cơ sở đưa ra những quyết định đúng đắn nhất để hạn chế tiêu cực của thiên tai.

Bà Nguyễn Ngọc Diễm, Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các thông tin về môi trường ngày càng nhiều, thể hiện các xu thế tích cực nhất định. Tuy nhiên, đối với thông tin về BĐKH vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể là nhiều chương trình truyền thông về môi trường và BĐKH từ trước đến nay tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa có một kế hoạch tổng thể, và chưa có sự phân biệt mức độ nhận thức, thái độ và hành vi của các đối tượng thu nhận thông tin. Do đó, hoạt động truyền thông xem việc nâng cao nhận thức như là kết quả cần đạt, chứ ít khi quan tâm đến việc thúc đẩy thay đổi hành vi của các chủ thể hướng đến thân thiện hơn với môi trường và thích ứng tốt hơn với BĐKH.

Để các thông tin khí tượng thủy văn phục vụ thiết thực hơn trong đời sống, Bà Nguyễn Ngọc Diễm cho rằng, các thông tin này cần được trình bày một cách dễ hiểu và dễ sử dụng nhất. Các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn cần phổ biến rộng rãi theo mô hình phù hợp để người dân thấy được sự cần thiết, khẩn trương trước những thông tin được cập nhật để tích cực nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của bản thân trong công cuộc ứng phó với BĐKH.

Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưởng ứng ngày Khí tượng thế giới (22/3): Nhận thức để hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO