Hưởng ứng Ngày bảo vệ rừng thế giới - Chung tay phủ xanh Trái Đất: Làm giàu từ tăng chất lượng rừng, bể cacbon thiên nhiên

Việt Anh| 16/03/2021 14:47

(TN&MT) - Giai đoạn tới đây, rừng Việt Nam cần được giữ nguyên độ che phủ rừng 42% và tăng chất lượng rừng. Tăng chất lượng rừng sẽ làm tăng trữ lượng cacbon, từ đó, tạo ra nguồn tài chính mới trong ngành lâm nghiệp nhờ bán tín chỉ cacbon.

Sáng kiến giảm khí nhà kính do mất, suy thoái rừng; quản lý tài nguyên rừng bền vững; bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng tại nước đang phát triển (sáng kiến REDD+) là một trong những giải pháp quan trọng của Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Qua hơn 10 năm chuẩn bị, đến nay, Quỹ Đối tác Cacbon trong lâm nghiệp (gọi tắt là Quỹ FCPF) đã công nhận Việt Nam hoàn thành giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực thi REDD+ và có thể tiến hành trao đổi tín chỉ cacbon lâm nghiệp.

Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2025 vùng Bắc Trung Bộ là Chương trình REDD+ đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo cách tiếp cận chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải ở quy mô cấp vùng. Việt Nam tự huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Chương trình với mục tiêu giảm phát thải khoảng 25 triệu tấn CO2, trong đó FCPF cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 với giá dự kiến 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD. Phần còn lại, Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.

Rừng Việt Nam cần được giữ nguyên độ che phủ 42% và tăng chất lượng. Ảnh: MH

Sau 2 năm đàm phán, năm 2020, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB - cơ quan PCFC ủy thác). Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việc ký Thỏa thuận này là nguồn tài chính mới cho nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam. Người hưởng lợi là chủ rừng, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các cộng đồng được giao đất, giao rừng - những người trực tiếp làm tăng bể chứa CO2.

“Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang dự thảo kế hoạch chi tiết để thực hiện Thỏa thuận này, trong đó sẽ trình Chính phủ ban hành quy định về cơ chế tiếp nhận tiền, chi trả tiền thu được từ dịch vụ tín chỉ CO2, triển khai việc đo lường hấp thụ CO2 trên thực địa, tăng chất lượng rừng. Làm được điều này chúng ta tăng được bể chứa CO2, nghĩa là Việt Nam có lượng hấp thụ CO2 cao hơn và bảo đảm cam kết hấp thụ CO2 đã ký” - ông Hà Công Tuấn chia sẻ.

Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và cũng là cơ chế thí điểm của Liên Hợp Quốc về chi trả giảm phát thải khí nhà kính, làm cơ sở xây dựng thị trường tín chỉ CO2 trên toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký thỏa thuận với Quỹ FCPF. Về bản chất, chúng ta ký ERPA với WB điều phối nguồn tiền từ Quỹ FCPF vừa mang tính chất của cơ chế thị trường, vừa mang tính chất hợp tác, tài trợ.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về việc xây dựng và phát triển thị trường cacbon trong nước, từng bước tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ trong và ngoài nước.

Về mặt quốc gia, Việt Nam đã có Chương trình quốc gia thực thi REDD+ và cũng đã luật hóa Chương trình này trong Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng đã quy định tín chỉ giảm phát thải Cacbon và việc thực hiện dịch vụ này như một loại dịch vụ môi trường rừng với đối tượng chi trả là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngành xi măng và điện than. Với những bước đi ban đầu này, ngành lâm nghiệp kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng của rừng, tăng thêm nguồn lực đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi và bảo vệ rừng trong giai đoạn tới.

“Tất cả những nơi có rừng đều có hấp thụ CO2, như vậy đều có tiềm năng tham gia thị trường CO2. Nếu thị trường sớm hình thành, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi vì chúng ta không phát thải nhiều, mà hấp thụ tương đối lớn cacbon nhờ tỷ lệ bao phủ rừng rất cao”.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưởng ứng Ngày bảo vệ rừng thế giới - Chung tay phủ xanh Trái Đất: Làm giàu từ tăng chất lượng rừng, bể cacbon thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO