Hướng tới việc bảo đảm an ninh nguồn nước

29/10/2013 00:00

Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.

(TN&MT) - Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước. Đến nay, Dự thảo Kế hoạch đã hoàn thiện và đang được lấy ý kiến góp ý của các địa phương và các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
   
  Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống giảm nhẹ tác hại do nước gây ra đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
   
  Biến đổi khí hậu và các quốc gia ở thượng nguồn tăng cường khai thác, sử dụng nguồn nước các sông quốc tế đang và sẽ gây sức ép nặng nề lên tài nguyên nước và an ninh nguồn nước quốc gia. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Trên 60% lượng nước ngọt của nước ta phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế. Các quốc gia vùng thượng lưu đang đẩy mạnh các hoạt động khai thác, sử dụng nước, nhất là xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước. Đây là một thử thách hết sức lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Đó là chưa kể, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước thiếu bền vững, chưa hợp lý và hiệu quả thấp. Nhiều lưu vực sông đã bị khai thác quá mức, do vậy, tình trạng thiếu nước, căng thẳng về nước ngày càng trầm trọng hơn. Trong khi đó lại chưa có cơ chế chia sẻ một cách công bằng, hợp lý giữa các nhu cầu sử dụng nước. Tình trạng tranh chấp sử dụng nguồn nước giữa thượng lưu với hạ lưu, giữa các mục đích sử dụng nước đang ngày càng tăng.
   
   
  Theo ông Hoàng Văn Bẩy, chất lượng nước đang bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và việc khai thác, sử dụng nước. Nhất là, việc quá chú trọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn mà chưa coi trọng sự phát triển bền vững trong dài hạn đã gây ra những tổn hại đối với nguồn nước mà việc khắc phục không dễ và cũng rất tốn kém.
   
  Trong giai đoạn hiện nay, quản lý tổng hợp tài nguyên nước là phương pháp tiếp cận tiên tiến, đã được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện có kết quả, là kinh nghiệm quốc tế rất cần thiết áp dụng ở nước ta. Mặc dù quan điểm quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, thống nhất và việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phải bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo trong Chiến lược quốc gia tài nguyên nước. Tuy nhiên, trên thực tế, những quan điểm và nguyên tắc đó chưa thực sự được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành.
  Ngoài ra, thiếu thông tin, số liệu về tài nguyên nước cũng là một trở ngại lớn, giảm hiệu quả của công tác quản lý và các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bộ máy tổ chức, năng lực quản lý tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở các địa phương. Mặt khác, ở đâu đó vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển bền vững, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng nước tại địa bàn.
  Ông Hoàng Văn Bẩy khẳng định: Cần có một kế hoạch toàn diện, mang tầm quốc gia để khắc phục được các mặt hạn chế, yếu kém nêu trên, thúc đẩy các hoạt động nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
   
Minh Trang
10 nhiệm vụ chủ yếu để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch
        Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.
        Hai là, tăng cường các biện pháp chủ động thích nghi, ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia.
        Ba là, đẩy mạnh quy hoạch, kiểm kê, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước.
        Bốn là, tăng cường các biện pháp chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
        Năm là, tăng cường các biện pháp điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả.
        Sáu là, tăng cường vai trò của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.
        Bảy là, mở rộng, tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế về tài nguyên nước.
        Tám là, tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.
        Chín là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên nước.
        Mười là, hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên nước ở các cấp.
        
    
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới việc bảo đảm an ninh nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO