Hướng tới mở rộng quy mô năng lượng sạch và bền vững

Mai Đan| 09/06/2021 12:17

(TN&MT) - Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7 (SDG7) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng với giá phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người. Tuy vậy, theo nghiên cứu mới có tên “Theo dõi SDG7: Báo cáo Tiến bộ Năng lượng”, những quốc gia hầu như không có lưới điện, sẽ bước vào năm 2030 mà không đạt được mục tiêu này nếu không nỗ lực thực sự".

Một kỹ thuật viên làm việc trên dây cáp điện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: UN / Ilyas Ahmed

Báo cáo trên được công bố bởi Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Vụ Kinh tế xã hội của Liên Hiệp Quốc (UN-DESA), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đại dịch COVID-19 tác động đến dịch vụ điện

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết: “Hướng tới mở rộng quy mô năng lượng sạch và bền vững là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người và góp phần giúp người dân khỏe mạnh hơn, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa và nông thôn”.

Báo cáo chỉ ra những tiến bộ đáng kể nhưng không đồng đều về SDG7, đồng thời, nhấn mạnh rằng, mặc dù, hơn một tỷ người trên toàn cầu được tiếp cận với điện trong thập kỷ qua, nhưng tác động tài chính của đại dịch COVID-19 cho đến nay đã khiến 30 triệu người khác, chủ yếu ở châu Phi, không thể chi trả được các dịch vụ điện cơ bản.

“Báo cáo Theo dõi SDG7 cho thấy, 90% dân số toàn cầu hiện đã được sử dụng điện, nhưng sự chênh lệch ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19, nếu không được giải quyết, có thể khiến mục tiêu năng lượng bền vững không đạt được, gây ảnh hưởng lớn đến các SDG khác và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris” - bà Mari Pangestu, Giám đốc Điều hành Chính sách Phát triển và Quan hệ Đối tác của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Hiện đại hóa năng lượng tái tạo

Mặc dù, báo cáo cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược một số tiến triển, nhưng ông Stefan Schweinfest, Giám đốc Bộ phận Thống kê của DESA chỉ ra rằng, điều này đã mang lại “cơ hội để tích hợp các chính sách liên quan đến SDG 7 trong các gói phục hồi và do đó, sẽ mở rộng quy mô phát triển bền vững."

Công bố của các cơ quan trên xem xét biện pháp thu hẹp khoảng cách để đạt được SDG7, chủ yếu là việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, đã được chứng minh là có thể phục hồi cao hơn các lĩnh vực khác của ngành năng lượng trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Mặc dù, châu Phi cận Sahara có tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trong việc cung cấp năng lượng, nhưng vẫn chưa đủ để gọi là năng lượng “sạch”, bởi 85% sử dụng sinh khối, chẳng hạn như đốt củi, cây trồng và phân.

“Trên con đường toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu năng lượng bền vững vào năm 2030 khi mở rộng năng lượng tái tạo trong tất cả các lĩnh vực và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng”, Giám đốc Điều hành IAE, ông Fatih Birol nhấn mạnh.

Hơn nữa, mặc dù, khu vực tư nhân tiếp tục cung cấp các nguồn đầu tư năng lượng sạch, khu vực công vẫn là nguồn tài chính lớn, trung tâm trong việc tận dụng vốn tư nhân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và trong bối cảnh hậu COVID-19.

Theo báo cáo, đại dịch đã làm tăng đáng kể nhận thức rủi ro của các nhà đầu tư và chuyển đổi ưu tiên ở các nước đang phát triển, dòng tài chính quốc tế trong điều kiện đầu tư công, là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết để tận dụng các mức đầu tư cần thiết để đạt được SDG 7. “Những nỗ lực lớn hơn để huy động và mở rộng quy mô đầu tư là cần thiết để đảm bảo rằng tiến độ tiếp cận năng lượng tiếp tục ở các nền kinh tế đang phát triển”, ông Birol khẳng định.

Báo cáo nhấn mạnh cần có các hành động quan trọng khác về “nấu sạch - ăn sạch”, tiết kiệm năng lượng và các dòng tài chính quốc tế. Theo Tiến sĩ Neira, sự phục hồi xanh và khỏe mạnh từ COVID-19 bao gồm tầm quan trọng của việc đảm bảo quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch và bền vững.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới mở rộng quy mô năng lượng sạch và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO