Hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn

Mai Đan| 17/03/2023 18:17

(TN&MT) - Để hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học khuyến nghị ban hành các quy định để khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản ở công đoạn hạ nguồn, đặc biệt là hoạt động chế biến khoáng sản, nhằm định hình thượng nguồn theo hướng bền vững.

z4188541787531_14dbb3afd923c22ae891f08ac84f5954(1).jpg
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Đó là một trong những đề xuất được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại buổi lễ công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn - Cách tiếp cận kinh tế chính trị” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức vào sáng 17/3, tại Hà Nội.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, năm 2018, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp khoảng 2,5% trong GDP của Việt Nam, giảm một nửa so với thời điểm năm 2012. Sự sụt giảm này đặt ra vấn đề làm cách nào để nâng cao giá trị đóng góp của ngành vào nền kinh tế xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh của chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và ngay tại ở Việt Nam thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn.

Các thách thức đặt ra trong quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến các vấn đề về thể chế, chính sách, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình, công tác cấp phép khai thác, thu, quản lý và phân phối nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Về mặt kinh tế, việc khai thác tài nguyên không được quản lý đúng đắn cả trong khâu sản xuất lẫn khâu phân phối lợi ích, có thể khiến địa phương hoặc một lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong dài hạn mà những lợi ích ngắn hạn không bù đắp được.

Do đó, thế mạnh của cách tiếp cận kinh tế chính trị là xem xét vấn đề trên nhiều phương diện, phân tích những động lực kinh tế của các bên tham gia trên thị trường, đồng thời xem xét các đặc điểm đặc thù thị trường dưới tác động của đặc điểm kỹ thuật của ngành cũng như thiết kế thể chế pháp định và hệ quả lịch sử vốn có, tác động tới hành vi của các bên tham gia trên thị trường như thế nào.

Dưới góc nhìn kinh tế chính trị kết hợp với khung phân tích về quản trị tài nguyên thiên nhiên, ThS. Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu kinh tế chính trị ngành khai khoáng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá một cách khái quát về vị trí, vai trò, đóng góp của ngành công nghiệp khai thác, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành và hiện trạng quản trị của ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam.

Kết quả đánh giá cho thấy, Việt Nam chỉ đáp ứng được 6/27 tiêu chí của quản trị tốt, các tiêu chí đáp ứng đa số liên quan đến các quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng.

Theo đó, về thể chế, chính sách, hệ thống chính sách, luật pháp chưa thật sự quan tâm đến phát triển các hoạt động; Luật Khoáng sản vẫn chưa đồng bộ với các luật khác; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn nhiều hoạt động khoáng sản chưa được quy định trong Luật Khoáng sản; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan chưa hiệu quả một phần do tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở cấp cơ sở.

Để hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học khuyến nghị một số chính sách như: Ban hành các quy định để khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản ở công đoạn hạ nguồn, đặc biệt là hoạt động chế biến khoáng sản, nhằm định hình thượng nguồn theo hướng bền vững.

Ngoài ra, điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp giấy phép khai thác nhằm giảm thiểu khai thác trái phép và cho phép sự linh hoạt hơn trong việc tăng giá trị sản phẩm khai thác; bổ sung các quy định về thu và phân bổ nguồn thu nhằm hướng tới một hệ thống tài khóa công bằng hơn trong lĩnh vực khai khoáng.

Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát hoạt động khai khoáng nhằm tăng tính bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường của hoạt động khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO