Hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số có việc làm và tăng thu nhập

Khánh Ly| 14/03/2023 15:43

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2020-2023, tại 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai, gần 70% thanh niên dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề cộng đồng đã tìm được việc làm phù hợp và tăng thêm thu nhập.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm của Dự án "Tăng cường tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy sáng kiến phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp", diễn ra ngày 14/3, tại Hòa Bình. Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, Tổ chức Aide et Action Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc (NWD) thực hiện, với mục tiêu cải thiện thu nhập cho thanh niên DTTS trong độ tuổi từ 16 – 30 tại hai tỉnh Lào Cai và Hòa Bình.

Hướng nghiệp phù hợp với tình hình địa phương

Sau 3 năm triển khai, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động trên ba lĩnh vực: hướng nghiệp; đào tạo nghề và khởi sự kinh doanh cho thanh niên dân tộc thiểu số. Đến nay, các tổ chức đã tư vấn định hướng nghề nghiệp cho hơn 3.400 học sinh tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Hòa Bình và Lào Cai; hỗ trợ hơn 1.200 thanh niên DTTS tiếp cận với các cơ hội việc làm thông qua các lớp đào tạo nghề và các hoạt động kết nối với doanh nghiệp. Hơn 110 thanh niên khởi nghiệp cũng được hỗ trợ phát triển ý tưởng kinh doanh và được tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp.

anh-1.jpg
Thanh niên khởi nghiệp từ chính những sản vật gắn với văn hóa của địa phương

Theo ông Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, năm 2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý tiếp nhận Dự án “Tăng cường tiếp cận sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy các sáng kiến khởi nghiệp tại Việt Nam” triển khai tại hai huyện Đà Bắc và Mai Châu.

Triển khai dự án, Sở LĐTBXH đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc, đồng thời chỉ đạo các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đà Bắc và Mai Châu tiếp cận một cách nghiêm túc, trên cơ sở căn cứ cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật, các đặc điểm vùng miền, đối tượng người học để có những ý kiến góp ý trong công tác xây dựng bộ tài liệu đào tạo nghề. Các nghề được lựa chọn là: Kỹ thuật chế biến món ăn, Hướng dẫn viên du lịch, Thêu thổ cẩm, Dệt thổ cẩm. Đến nay đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát và thông qua.

Sau được Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc chuyển giao các Bộ tài liệu nói trên Sở đã chỉ đạo 2 trung tâm tại các huyện Đà Bắc và Mai Châu áp dụng thí điểm, lồng ghép tại các lớp đào tạo nghề trên địa bàn huyện đồng thời để có kế hoạch nhân rộng sử dụng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

anh-2.jpg
Ông Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội thảo

Trong 2 năm, đã có 8 khoá Đào tạo nghề cho thanh niên DTTS ngoài cộng đồng tiếp cận và sử dụng 100% bộ tài liệu vào trong chương trình đào tạo. Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề, sau khi tốt nghiệp, các học viên được hỗ trợ giới thiệu, tạo điều kiện đi thực tập tại các doanh nghiệp, tham gia hội chợ việc làm, tổ chức đi thăm quan các mô hình doanh nghiệp sát với nghề được đào tạo… tất cả nhằm tạo cơ hội cho các em có cơ hội, môi trường để trải nghiệm, nắm vững kỹ năng trước khi bước chân vào thị trường lao động.

“Nội dung của cuốn tài liệu là phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các hoạt động sau đào tạo cũng thiết thực, giúp các học viên mở rộng cơ hội, trải nghiệm thực tế”” – ông Chinh khẳng định. Trên cơ sở Bộ tài liệu này, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các cơ sở GDNN có thể chỉnh sửa, bổ sung thêm để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương mình.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo ông Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, trong năm 2021, Tỉnh đoàn đã tổ chức cuộc thi Thách thức Sáng kiến kinh doanh. Sau khi cuộc thi kết thúc, năm 2022, Tỉnh đoàn và dự án vẫn tiếp tục đồng hành, cung cấp các hỗ trợ về tài chính, mời các tư vấn có chuyên môn cao về lĩnh vực mà các thí sinh đang thực hiện về để tư vấn, hỗ trợ hướng đi đúng đắn, giúp các thanh niên đạt được mục tiêu như đề xuất ban đầu đặt ra.

Kết quả, 240 triệu đồng kinh phí hỗ trợ đã được giải ngân 100% trong năm 2022 cho 2 mô hình đạt giải của thí sinh Giàng A La, Trịnh Thị Thanh Hoà. 60% số vốn được sử dụng vào các hoạt động như tổ chức khoá tập huấn kỹ thuật chế biến nấu ăn, kỹ thuật trồng và chăm sóc Gai Lai, kỹ năng hướng dẫn viên cho thành viên HTX, các kỹ thuật quay phim truyền thông... Số vốn còn lại dùng đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng.

anh-4(1).jpg
Giàng A La (đứng bên phải)– giải Vàng cuộc thi “Thách thức Sáng kiến Kinh doanh” trong buổi tư vấn đồng hành cùng chuyên gia Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam

“Với định hướng đúng đắn, nguồn vốn tài trợ đã được sử dụng hiệu quả nhất, đúng mục đích. Sau khi dự án kết thúc, các bạn sẽ vẫn có thể sử dụng những kỹ năng mới để phát triển mô hình của mình” – ông Nguyễn Duy Tư cho biết.

Qua các hoạt động dự án cũng ghi nhận thực tế cho thấy thanh niên muốn khởi nghiệp vẫn còn gặp các khó khăn, vướng mắc. Về xây dựng và hình thành ý tưởng khởi nghiệp, nhiều thanh niên có ý tưởng, mong muốn làm một mô hình kinh doanh nào đó nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào, thậm trí không biết đặt vấn đề dù đó là vấn đề bản thân họ đang mong muốn giải quyết và thực hiện triển khai.

Vấn đề xây dựng, sử dụng vốn kinh doanh cũng như năng lực của bản thân thanh niên để biến ý tưởng thành mô hình kinh doanh hiệu quả là một trong những yếu tố tiên quyết để thành công. Thường các chủ dự án, ý tưởng khởi nghiệp thất bại bởi các vấn đề trên và chưa ai cho họ một hướng đi hay định hướng, hướng dẫn nào cơ bản.

anh-5.jpg
Chị Thào Thị Sung (đứng bên trái) - người dân tộc Mông tại Sapa, Lào Cai mở một lớp dạy thêu tại nhà dành cho chị em trong xã

Theo đó, Cuốn Sổ tay khởi sự kinh doanh được xây dựng với mục đích cung cấp kiến thức cơ bản cho các bạn thanh niên DTTS về khởi nghiệp. Đây là nguồn tham khảo hữu ích để tra cứu, vận dụng, thực hành trong từng bước của quá trình khởi nghiệp, từ lúc bắt đầu ý tưởng, đến thiết kế sản phẩm/dịch vụ và triển khai hoạt động kinh doanh. Ở đây cũng có bài học kinh nghiệm từ những câu chuyện thành công, bài học từ những thất bại của rất nhiều bạn trẻ DTTS đã và đang khởi nghiệp trên các địa bàn khác nhau ở khu vực miền núi phía Bắc.

Dự kiến trong năm 2023, Dự án sẽ tiếp tục áp dụng các bộ tài liệu vào chương trình của các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, khuyến khích tạo nghề tại chỗ bền vững. Các hoạt động cũng bao gồm tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh, kêt nối với doanh nghiệp để đưa học viên thực tập; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kết nối mạng lưới doanh nghiệp để phát triển mô hình kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số có việc làm và tăng thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO