Hướng đi mới cho bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam

05/11/2015 00:00

(TN&MT) - Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 nước có đa dạng sinh học (Đ DSH) cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ suy giảm ĐDSH của Việt Nam cũng không ngừng tăng cao do nhiều nguyên nhân. Để giảm thiểu tình trạng này, bồi hoàn ĐDSH đang được xem là phương pháp tối ưu, bền vững cho công tác bảo tồn.

Kinh nghiệm từ quốc tế       

Bồi hoàn ĐDSH được hiểu là một cơ chế bồi thường cho những thiệt hại, và là một phần quan trọng của công cụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong đó, bồi hoàn ĐDSH không chỉ là một trong những cơ chế giải quyết những áp lực về ĐDSH mà còn góp phần cải thiện tài chính bền vững cho công tác bảo tồn. Đặc biệt, nó giải quyết những tổn thất tiềm năng của ĐDSH gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

Hiện trên thế giới đã có trên 30 quốc gia đang yêu cầu một số hình thức bồi thường thiệt hại cho ĐDSH. Tại Hoa Kỳ, các cơ quan công quyền và chủ dự án được luật pháp yêu cầu phòng tránh, giảm thiểu hoặc giảm thiểu những tác động bất lợi đối với một số loại môi trường sống như là một điều kiện tiên quyết để có được giấy phép  cho phép phát triển đất. Có thể yêu cầu bồi hoàn nếu không thể tránh tác động lên các hệ sinh thái đất ngập nước và thủy sản theo Luật nước sạch năm 1972. Đối với nước Úc, bồi hoàn được kích hoạt như một yêu cầu ở cấp liên bang theo Luật Bảo vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH năm 1999 và bằng Luật quy hoạch và bảo tồn trong một số bang và vùng lãnh thổ. Một số Bang đã giới thiệu các quy định và hướng dẫn lập kế hoạch ghi chú theo hướng dẫn của dự luật này. Những thay đổi trong thành phần ĐDSH được đề cập, một số yêu cầu bồi hoàn chỉ cho phép đối với các loài thực vật bản địa, tác động chi tiết tới các loài có nguy cơ đe dọa hoặc cả hai. Tại bang Victoria, 'bồi hoàn thực vật bản địa' được yêu cầu theo Qui chế thực vật bản địa trong Đạo Luật Quy hoạch và Môi trường là điều kiện để dự án được phê duyệt.

Khai thác khoáng sản đang tác động mạnh mẽ tới môi trường và thiên nhiên
Khai thác khoáng sản đang tác động mạnh mẽ tới môi trường và thiên nhiên

Không chỉ đưa việc bồi hoàn là điều kiện bắt buộc tại các đạo luật mà tại nhiều nước phát triển theo PGS. TS Lê Xuân Cảnh thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật được biết bồi hoàn ĐDSH còn được xây dựng theo cơ chế thị trường. Trong đó ngân hàng hóa bảo tồn là một trong những cách để đáp ứng được yêu cầu bồi hoàn. Lợi ích ĐDSH được tạo ra thông qua hoạt động bồi hoàn được khởi xướng ‘gửi ngân hàng' và sau đó được bán như các khoản tín dụng giảm thiểu cho các nhà phát triển để bù đắp những tác động còn lại từ các dự án phát triển đã được phê duyệt. Tại Hoa Kỳ và  New South Wales, Australia, có luật pháp về ngân hàng giảm thiểu hoặc ngân hàng bảo tồn. Tại bang Victoria, Australia, các chủ dự án có thể mua các khoản tín dụng thực vật có nguồn gốc từ các chủ đất đã đăng ký để đảm bảo yêu cầu bồi hoàn. Họ không bị ràng buộc bởi luật pháp, nhưng có thể chọn cách thức này để hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn vì lý do chi phí hoặc tính thiết thực.

Cần xây dựng cơ chế đặc trưng

Nước ta có nền ĐDSH cao nhưng hiện trên toàn lãnh thổ cũng có hơn 800 công trình dự án thủy điện, 5.000 điểm mỏ khai thác hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, công trình thủy điện đều phân bố ở những nơi có tài nguyên sinh học rất cao, làm giảm giá trị ĐDSH, nên vấn đề bồi hoàn tài nguyên, bảo tồn Đ DSH là vô cùng quan trọng và đang đứng trước nhiều thách thức.

Trong những năm gần đây, vấn đề phục hồi môi trường, bảo tồn ĐDSH đã được Nhà nước quan tâm, thể hiện trong các quy định pháp luật hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường, Đa dạng sinh học, Bảo vệ và phát triển rừng... và các văn bản dưới Luật. Điển hình về mối liên hệ trực tiếp giữa ĐTM với phục hồi môi trường là Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT quy định chi tiết một số nội dung của Quyết định số 71/2008/QĐ- TTg. Hiện nay, các dự án này được các Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM xem xét, thẩm định cùng với các báo cáo ĐTM của các dự án khai thác mỏ.

Tuy nhiên bồi hoàn ĐDSH được các chuyên gia đánh giá là một lĩnh vực phức tạp và thế giới chưa có cách thống nhất để thực hiện nên cần xây dựng những nét đặc trưng cho trường hợp của Việt Nam. Theo TS Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH, Tổng cục Môi trường cho rằng để đưa vấn đề bồi hoàn ĐDSH vào thực tiễn của Việt Nam, cần tiến hành nhiều bước như tuyên truyền phổ biến tới doanh nghiệp; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia; triển khai các dự án thí điểm; luật hóa trong các văn bản Nhà nước.

PGS. TS Lê Xuân Cảnh cũng cho rằng để xây dựng được cơ chế, chính sách bồi thường Đ DSH tại Việt Nam sẽ mất một thời gian dài và lộ trình đó cần có những bước đi cần thiết trong đó cần có sự tham gia tích cực hơn nữa sự trao đổi giao lưu trong khu vực và quốc tế liên quan đến sự phát triển các chính sách, tiêu chuẩn, cơ chế và năng lực, liên quan đến dự phát triển chính sách ĐTM và bồi hoàn ĐDSH. Ngoài ra cần xây dựng một chương trình trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu của kế hoạch bồi thường và bồi hoàn ĐDSH. Các kế hoạch bồi hoàn bao gồm một kế hoạch tài chính để đảm bảo kinh phí cần thiết thực hiện các kế hoạch quản lý cho bồi hoàn, kể cả chi phí cơ sở hạ tầng, quản lý và giám sát.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO