Hướng đến bền vững trong khai thác và chế biến titan

03/12/2014 00:00

(TN7MT) - Là một trong những quốc gia có trữ lượng khoáng sản Titan lớn của thế giới, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm khai thác Titan lớn trên thế...

(TN&MT) - Là một trong những quốc gia có trữ lượng tài nguyên dự báo khoáng sản Titan trong tốp lớn của thế giới, với khoảng 650 triệu tấn, Việt Nam dự báo sẽ là một trong những trung tâm khai thác, chế biến Titan lớn trên thế giới đến năm 2030. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác và chế biến Titan chưa theo quy hoạch, cấp phép khai thác tràn lan, quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản còn nhiều bất cập, dẫn đến làm thất thoát, lãng phí nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản và ngân sách Nhà nước.
   
   Phần lớn Titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng chưa qua chế biến, do đó Nhà nước chỉ thu được khoản thuế tài nguyên ít ỏi. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như hạn chế đến chấm dứt xuất khẩu quặng thô, khuyến khích chế biến sâu nhằm gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm Titan ra thị trường thế giới. Nhưng việc quản lý chặt đầu ra mà chưa quản lý chặt đầu vào, cùng với việc chưa mạnh tay “xoá sổ” các cơ sở khai thác chui và các nhóm buôn lậu khoáng sản Titan khiến cho hầu hết các Doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác Titan chân chính phải “chết” theo.
   
Nhiều nỗi lo
   
  Theo “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030” tại Quyết định số 1546/2013/QĐ-TTg ngày 03/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm hình thành ngành công nghiệp Titan theo 4 vùng, với các trung tâm khai thác, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế như: Ilmenite hoàn nguyên, xỉ Titan, Zircon siêu mịn, muối Zircon oxychlorite, Rutin nhân tạo, Titan Pigment, Titan xốp và Titan kim loại... Tuy nhiên, để ngành công nghiệp Titan Việt Nam đến được “đích” và phát triển mạnh như quy hoạch được hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của các DN khai thác Titan, nhất là phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Nhà nước.
   
  Theo thống kê của Hiệp hội Titan Việt Nam, đến nay cả nước có trên 47 giấy phép khai thác Titan đã được cấp và còn hiệu lực, với công suất khai thác trên 1,26 triệu tấn/năm, nhưng hiện tại cũng chỉ có 02 nhà máy sản xuất Ilmenite hoàn nguyên, 05 nhà máy sản xuất xỉ Titan, 11 dây chuyền và xưởng sản xuất Ziron bột và Zircon siêu mịn đang hoạt động. Trong khi đó, các dự án sản xuất Rutin nhân tạo, nhiều dự án luyện xỉ Titan công suất lớn, công nghệ tiên tiến, các dự án Titan Pigment đã thực hiện xong bước chuẩn bị đầu tư nhưng dự án vẫn chưa thực hiện được.
   
Khai thác Titan ở tỉnh Quảng Trị
   
  Sở dĩ các dự án chế biến sâu còn đang “đắp chiếu” vì hầu hết các DN này cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư xây dựng dài, thời gian hoàn vốn lâu, trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn khiến cho các DN Titan không tiếp cận được nguồn vốn, hoặc chưa có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chế biến sâu nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề hiện nay làm cho các DN “tiến thoái lưỡng nan” là do nhiều loại thuế, phí và lệ phí còn khá cao.
   
  Ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động khai thác Titan, Chính phủ đã cho phép tiêu thụ (xuất khẩu) 1.147.000 tấn quặng tinh Ilmenite tồn kho đến 31/12/2012. Nhưng đến nay, các DN trên cả nước mới tiêu thụ được 1/3 khối lượng của sản phẩm tồn kho. Ngoài ra, để sản xuất cầm chừng ở mức thấp nhất, trong 2 năm 2013, 2014 các DN trên cả nước đã tăng sản phẩm tồn kho tối thiểu 500.000 tấn/mỗi năm. Trong khi đó, giá bán so với quý I năm 2013 giảm nhanh, giảm sâu, các sản phẩm đều giảm giá từ 40 đến 50% thậm chí sản phẩm quặng Ilmenite và Rutin giảm đến 60% chỉ dao động từ 50 đến 100,0 USD/tấn. “Điều này đồng nghĩa với việc giá bán đã thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất và chưa kể các loại thuế, phí, lệ phí khác nên hiện nay đã có gần 90% nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do khối lượng sản phẩm tiêu thụ và giá bán giảm sâu” – ông Lê Văn Lịch nhấn mạnh.
   
  Ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long (tỉnh Quảng Bình) cho biết: Ngoài việc lo lắng tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến cho chế biến sâu, thì hiện nay các DN hoạt động khoáng sản Titan còn phải chịu nhiều loại thuế, phí và lệ phí với mức khá cao. Cộng tất cả các loại thuế, phí và lệ phí này đã tương đương với giá bán FOB của các loại sản phẩm. Với những khó khăn như trên thì sẽ rất khó để các nhà máy khai thác, chế biến Titan đủ sức giữ được DN ổn định để chờ cơ hội phát triển.
   
Hướng đến hình thành ngành công nghiệp khai khoáng Titan
   
  Theo đánh giá của Hiệp hội Titan Việt Nam, trong những năm qua, việc cấp phép khai thác khoáng sản Titan còn nhiều bất cập, đặc biệt việc cấp phép khai thác tận thu còn diễn ra tràn lan, cấp phép khai thác các điểm mỏ chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng một cách đầy đủ và tỷ mỷ, khai thác không gắn liền chế biến tuyển tinh để tuyển tách các khoáng sản cộng sinh có giá trị cao đã làm thất thoát nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Đặc biệt, do yếu về năng lực tài chính và năng lực chuyên môn nên các DN Titan đầu tư nhà máy chế biến với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu môi trường, dẫn đến chất lượng các loại sản phẩm sản xuất đạt chất lượng thấp, giá bán các sản phẩm Titan trên thế giới ngày càng giảm sâu, khiến khối lượng sản phẩm Titan của Việt Nam tồn kho ngày càng lớn.
   
  Theo Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), việc khai thác Titan thủ công, trái phép và quy mô nhỏ đã làm cho đất, nước ngầm một số khu vực nhiễm mặn, nhiều hecta đất cát ven biển bị đào xới; rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển bị suy thoái nặng nề; nguồn nước ngọt trong cồn cát ven biển bị ô nhiễm và nhiễm mặn; đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng… Chưa hết, trong quá trình khai thác, các đơn vị đã xả thải sau khai thác qua khu vực giáp biển mà không hoàn thổ sau khai thác; khai thác quá độ sâu, phạm vi cho phép đã làm thay đổi địa hình, mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở bồi lấp, có nguy cơ xảy ra hiện tượng hoang mạc hóa.
   
  Theo ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam, để sớm xây dựng ngành công nghiệp Titan Việt Nam phát triển đúng hướng, bền vững, tăng giá trị tài nguyên khoáng sản thì các DN phải chấm dứt xuất khẩu thô, khẩn trương đầu tư chế biến sâu theo quy hoạch. Phải tăng cường liên kết, hợp tác ngay trong các DN hoạt động khoáng sản Titan, phải phân công đầu tư theo từng khâu khai thác, chế biến và chế biến sâu. Có như vậy mới đủ tiềm lực để đầu tư các dự án chế biến sâu với quy mô công suất hiệu quả, lại áp dụng được công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường và tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.
   
  Còn ông Nguyễn Tượng Đắt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết: Để ngành công nghiệp Titan Việt Nam phát triển đúng hướng, Nhà nước cần có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, đặc biệt là nguồn vốn, các loại thuế, phí và lệ phí để đầu tư cho chế biến sâu. Đồng thời, Nhà nước có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành, hoặc thành lập Viện nghiên cứu về Titan để nghiên cứu công nghệ chế tạo thiết bị cho khai thác, chế biến sâu và sử dụng các sản phẩm Titan cho các ngành công nghiệp hiện đại khác.
   
   Cùng quan điểm trên, ông Đặng Xuân Huề - Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Quảng Bình chia sẻ: Để cứu các DN Titan khỏi phải đóng cửa cần phải có các chính sách đồng bộ từ Nhà nước để tạo sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hoạt động khoáng sản Titan ở mức cao hơn, sâu rộng hơn, trước hết là sự hợp tác, liên kết trong vùng (vùng quy hoạch), sau đến là liên kết, hợp tác trong nước để chấm dứt tình trạng cục bộ địa phương, đơn vị nào cũng được cấp mỏ, khai thác, chế biến cho đến chế biến sâu và xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, Nhà nước cần có điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí theo chiều hướng giảm để tạo điều kiện cho các nhà máy khai thác, chế biến và chế biến sâu đang phải ngừng hoạt động, các dự án chế biến sâu đang phải dừng bước thực hiện đầu tư mới có cơ hội được hồi sinh.
  Bài & ảnh: LA THÀNH – ANH DŨNG
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến bền vững trong khai thác và chế biến titan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO