Huế: Hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ

11/12/2017 00:00

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế có nhiều đặc sản nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, trong đó đặc biệt là các đặc sản về ẩm thực và nông sản. Đến nay, có 11 đặc sản của Thừa Thiên Huế được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào 14 TOP đặc sản nổi tiếng Việt Nam và Bún bò Huế là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị Ẩm thực châu Á” do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập. Các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho đặc sản của từng địa phương mình.

Thanh Trà Thủy Biều (Tp Huế)
Thanh Trà Thủy Biều (Tp Huế)

Hiện nay, việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các đặc sản mang tính đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế như các sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm ngành nghề truyền thống… vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nhất là trong xây dựng thương hiệu các đặc sản của địa phương dưới hình thức xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu (NH), nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế, chính sách về phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương còn lúng túng, các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền đối với NHTT hoặc CDĐL, chưa có các giải pháp đồng bộ trong quy hoạch sản xuất, vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu một cách bền vững để tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất phát từ những vấn đề mang tính thực tiễn nêu trên, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020”. Việc ban hành một số chính sách hỗ trợ thực hiện “Chương trình phát triển TSTT của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020” là rất cần thiết. Đây không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, cho các tổ chức, cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng mà còn hỗ trợ đăng ký, khai thác, áp dụng thực tiễn cho các sáng chế, giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đồng thời, hình thành và nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của tỉnh, thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Nhất là, ưu tiên hỗ trợ các đặc sản, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu để hình thành và phát triển một số thương hiệu mạnh của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập của người dân và doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020” vừa được HĐND tỉnh thông qua, ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí để thực hiện nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện Chương trình. Kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017- 2020 là 18,24 tỷ đồng.

Thưởng thức trà Cung Đình Huế
Thưởng thức trà Cung Đình Huế

Các nội dung hỗ trợ của chương trình gồm: Hỗ trợ theo định mức để khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ từ 10 - 60 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân về tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích; tạo lập và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường; tạo lập và đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới; tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của đặc sản địa phương ra nước ngoài; hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn.

Hỗ trợ 50% kinh phí, để thực hiện các dự án áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án. Áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, sáng kiến; áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản nông sản, đặc sản; áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương gắn với phát triển thương hiệu các đặc sản Huế. Với tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/dự án.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, để thực hiện các dự án: Tạo lập, đăng ký bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/dự án; Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận với tổng kinh phí hỗ trợ không quá 350 triệu đồng/dự án; Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề với tổng kinh phí hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO