Huế: Hỗ trợ tối đa cho tàu cá hoạt động thủy sản trên vùng biển xa

05/12/2017 00:00

(TN&MT) - Ngư dân đánh bắt xa bờ tại Thừa Thiên Huế đã và đang được hỗ trợ nhiều mặt, qua đó có điều kiện để vươn khơi bám biển...

Ngư dân đánh bắt xa bờ tại Thừa Thiên Huế đã và đang được hỗ trợ nhiều mặt
Ngư dân đánh bắt xa bờ tại Thừa Thiên Huế đã và đang được hỗ trợ nhiều mặt

Mới đây, theo Quyết định 48 của Chính phủ, UBND tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã trích hơn 10 tỷ đồng từ nguồn bổ sung ngân sách thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa cho ngư dân các huyện Phú Vang, Phú Lộc (trong đó, huyện Phú Vang được cấp gần 9,425 tỷ đồng và Phú Lộc hơn 850 triệu).

Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương tiến hành các thủ tục, rà soát, nắm bắt các tàu đánh bắt trên các vùng biển xa như ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thông qua hệ thống định vị để cấp kinh phí hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi.

Theo đó, các tàu có đăng ký thường xuyên bám vùng biển xa tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đều được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu, thiết bị thông tin liên lạc theo quyết định của Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ được khoảng 70 chiếc.

Ngoài ra, tính từ khi có Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg từ năm 2012 đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ nhiên liệu, với kinh phí ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng cho hàng trăm tàu khai thác trên vùng biển xa.

Để được hỗ trợ nhiên liệu khai thác trên vùng biển xa các tàu phải đủ các điệu kiện như hoạt động khai thác trên biển tính từ lúc tàu rời cảng cá ra ngư trường khai thác, hoặc dịch vụ khai thác hải sản cho đến khi tàu về cảng cá có thời gian không dưới 15 ngày.

Nhiều tàu công suất lớn tại Huế thường đi đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa
Nhiều tàu công suất lớn tại Huế thường đi đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa

Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa như ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định như nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa... Ngoài ra, các tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản cũng được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu để bám biển thường xuyên, sát cánh cùng tàu đánh cá để cung cấp nhiên liệu, thu mua, vận chuyển hải sản vào bờ kịp thời.

Hầu hết các ngư dân cho biết, đánh bắt xa bờ như ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa còn nhiều tiềm năng, thu được các loại cá có giá trị kinh tế và sản lượng thủy hải sản đang còn dồi dào, các tàu có công suất lớn thu hàng trăm triệu đồng/chuyến với nghề lưới vây, lưới mành, lưới rê...

Anh Nguyễn Văn Mơ (trú xã Phú Hải, huyện Phú Vang), chủ chiếc tàu cá công suất lớn mang số hiệu TTH-92456.TS, đóng theo Nghị định 67 cho biết, 40 ngày ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt thu về trên 20 tấn thủy hải sản.

Còn theo ông Trần Văn Hải (trú ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), hầu như các tàu có công suất lớn đều ra các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa nên chi phí xăng dầu lên đến trên 30 triệu đồng và từ khi có Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu khai thác vùng biển xa thì ngư dân có điệu kiện vươn khơi bám biển liên tục.

“Tàu ra vùng biển xa bám các ngư trường lớn như Trường Sa, Hoàng Sa sẽ có sản lượng nhiều, hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo...”- ông Trần Văn Hải cho biết thêm.

Với việc được hỗ trợ sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền
Với việc được hỗ trợ sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Đủ- Phó chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin, riêng trên địa bàn có 21 phương tiện tàu dịch vụ được chi trả hổ trợ tiền nhiên liệu theo Nghị định số 67/NĐ- TTg và Quyết định số 48 của Chính phủ với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Ở một diễn biến liên quan mà PV mới nhận được, đầu tháng 12 này UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp tục ban hành Quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ tàu cá tham gia hoạt động thủy sản trên các vùng biển xa (đợt 4/2017).

Theo đó, trích ngân sách tỉnh số tiền 9.739.815.000 đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Được biết, tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có trên 300 tàu đánh bắt xa bờ, với hàng trăm lượt tàu đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản và sản lượng khai thác 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 31.750 tấn, tăng 17,85% so cùng kỳ năm 2016.

Bài, ảnh:Văn Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Hỗ trợ tối đa cho tàu cá hoạt động thủy sản trên vùng biển xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO