Hợp thức hóa đất trồng cây ăn quả khai hoang

05/04/2016 00:00

(TN&MT) - Năm 2001, gia đình tôi được Nhà nươc giao 200m2 đất. Từ đó đến nay nhà tôi sử dụng ổn định, chưa làm sổ đỏ. Trong quá trình sử dụng, gia đình tôi có khai hoang xung quanh là 170m2 nữa để trồng cây ăn quả và sử dụng ổn định lâu dài đến ngày nay. Vậy, bây giờ tôi muốn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho cả hai diện tích đất trên có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Đất đai cũng quy định về các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu thực tế với số liệu trên giấy tờ tại Điều 98 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

"Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này."

Như vậy, để được cấp giấy chứng nhận đối với 370 m2 đất (tức là bao gồm đất ở và đất trồng cây ăn quả) thì điều kiện cần có là xác nhận của chính quyền địa phương về việc thực tế sử dụng đất và không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp, gia đình bạn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, thủ tục đăng ký đối với diện tích đất này được thực hiện tương tự như theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Theo quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ_CP, trình tự, thủ tục đăng ký lần đầu được thực hiện như sau:

Người đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai (nếu có); Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).

 Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau:

-Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định tại Khoản 2 Điều này;

- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);

- Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;

- Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký đất đai;

- Cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);

- Trường hợp người sử dụng đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ theo quy định của pháp luật; chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã thì gửi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.

Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Trường hợp thuê đất thì trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký đất đai.

Điểm khác biệt duy nhất trong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất của hộ gia đình bạn với các trường hợp thông thường là bạn phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống về việc diện tích đất tăng thêm được sử dụng trên thực tế và không có tranh chấp với các hộ sử dụng đất liền kề.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp thức hóa đất trồng cây ăn quả khai hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO