Kinh tế

Hợp tác xã giúp nâng cao đời sống kinh tế góp phần xoá đói giảm nghèo

Thy Thu 19/09/2023 - 15:19

Ngày 19/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức (DGRV) tổ chức Hội thảo “Luật Hợp tác xã 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”. Hội thảo nhằm chia sẻ về chính sách để thúc đẩy cho khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) Việt Nam góp phần xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, Luật Hợp tác xã (HTX) đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003, 2012 và tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo đó, số lượng HTX không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn. Các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được.

thu-truong.jpg
Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo.

Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể cần thay đổi, phát huy các lợi thế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX của Việt Nam.

Tại Hội thảo các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ về các vấn đề mà các tổ chức HTX thường gặp trong quá trình hoạt động như nguồn vốn, nhân lực và cách quản trị, thị trường. Bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Cục Phát triển HTX Thái Lan cho biết, HTX đầu tiên được thành lập ở Thái Lan năm 1916 có mục đích cải thiện sinh kế của những nông dân nhỏ và đang mắc nợ, những người bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thương mại. Kể từ đó, các HTX đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và dịch vụ. Hiện nay, Cơ quan Phát triển HTX (CPD) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan chịu trách nhiệm thúc đẩy và củng cố phong trào HTX ở nước này.

Nhờ những chính sách hỗ trợ đó, tính đến tháng 12/2022, Thái Lan có tổng cộng 7.638 HTX, trong đó có 4.139 HTX nông nghiệp và 3.499 HTX phi nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp là loại hình HTX lớn nhất, với gần 10% dân số Thái Lan là thành viên (khoảng 66,09 triệu người vào năm 2022).

z4706577565509_e997ef76569a873513fe58a0200007cd.jpg
Bà Elizabeth Organo Batonan – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và Kiểm tra, Cơ quan Phát triển HTX Philippin.

Cùng chung kinh nghiệm từ việc thành lập một cơ quan hỗ HTX, bà Elizabeth Organo Batonan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và Kiểm tra, Cơ quan Phát triển HTX Philippin cho biết, Cơ quan phát triển HTX (CDA) của nước này đứng đầu chủ trì các dự án hỗ trợ thực chất cho các HTX. Tuy nhiên, các ban ngành khác cũng có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính hỗ trợ HTX phát triển. Philippin có hơn 27 loại hình HTX do có nhiều ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Do đó, CDA còn có chức năng kết nối các HTX với nhau, hoặc các HTX với cơ quan chức năng theo nghành nghề để nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

ba-nguyen-thi-tuyet-minh-giam-doc-lien-doan-htx-chlb-duc-dgrv-tai-viet-nam.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giám đốc Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm việc hỗ trợ HTX tại Đức.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Dự án DGRV, dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực HTX Đức, việc hỗ trợ hợp tác xã ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển. Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để HTX có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho hợp tác xã. Điều này giúp HTX có được đòn bẩy tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự lực.

Một chính sách đặc thù cho hợp tác xã liên quan đến việc phân phối lại thu nhập từ thặng dư cho thành viên. Ở đây, thặng dư được tính là doanh thu từ các giao dịch giữa HTX và thành viên. Việc hoàn trả số tiền hay lợi nhuận phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ có thể được ghi nhận là một khoản nợ phải trả theo quy định về thuế khi điều lệ của HTX có quy định và khi thành viên được nhận số tiền phân phối lại đó theo các quy định trong điều lệ.

Như vậy, các luật của Đức cho phép HTX ghi nhận số tiền hoàn trả lại cho các thành viên là chi phí kinh doanh và khi đó, HTX không phải đóng thuế trên phần tiền này. Đồng thời, cần thiết hỗ trợ các HTX tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

quang-canh.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Để phát triển HTX trong thời gian tới, nhiều lãnh đạo HTX tham gia hội thảo cho rằng, cần những hỗ trợ cụ thể; trong đó, HTX rất mong sớm được tiếp cận với những hỗ trợ từ Nhà nước về nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… hay những chính sách ưu đãi về đất đai để các HTX có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã giúp nâng cao đời sống kinh tế góp phần xoá đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO