“Hòn đất mà biết nói năng”…

Phương Anh| 14/04/2020 10:06

(TN&MT) - “Hòn đất mà biết nói năng/Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Nếu hòn đất mà biết nói năng thì nguồn tài nguyên quý giá này đã không trở thành “nạn nhân” của những vụ tham nhũng, của những khuất tất, dung dưỡng và làm lớn mạnh “nhóm lợi ích”, nhóm “bạch tuộc đất”.

Nếu đất biết nói, chúng ta đã ngăn được các “cò đất” chuyên thổi phồng giá trị kinh tế của bất động sản, từ đó, tạo nên nhiều bi kịch cuộc đời làm ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Nếu đất ngày nay mà biết nói, chúng ta còn có thể ngăn chặn được những lãnh đạo do năng lực quản lý hạn chế hoặc do thiếu tầm nhìn, thiếu liêm chính, đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho các nhà đầu cơ bất động sản chỉ biết chạy theo lợi nhuận, nhân danh dự án du lịch “sinh thái”, sẵn sàng xóa sổ di tích văn hóa lịch sử hàng trăm năm tuổi, sẵn sàng “xẻ thịt” rừng cấm quốc gia…

Đáng tiếc, đất mãi không biết nói! Thế mới có những chuyện phá rừng, chiếm rừng xây biệt thự, biệt phủ, biến đất nông nghiệp thành đất ở đô thị, thâu tóm đất công thành của riêng, giao đất không qua đấu giá,... được thực hiện bởi các quan chức địa phương hoặc núp bóng người nhà để làm chuyện phi pháp..

Sai phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác đất công trong thời gian qua được xem là điển hình khiến không ít cán bộ quản lý cấp cao từ Trung ương đến địa phương lần lượt vướng vào vòng lao lý. Hàng loạt cuộc thanh kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã được tiến hành và chỉ rõ rất nhiều sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bảo vệ tài nguyên đất

Rõ ràng, một câu hỏi đặt ra là vì sao rất nhiều cán bộ cấp cao, đứng đầu ngành, được đào tạo, trui rèn bài bản, thậm chí, có nhiều công trạng trong từng giai đoạn lại dễ dàng nhắm mắt để các nhóm lợi ích chi phối dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng về đất đai? Câu trả lời có thể khác nhau, nhưng điểm chung ở đây là sự tha hóa, biến chất của các cán bộ này.

Thay vì phải luôn giữ mình, nhắc mình liêm chính để tránh các cám dỗ, chính họ đã bị “bả vật chất” làm mờ mắt, bỏ cả công danh sự nghiệp để làm càn, dẫn đến các sai phạm. Trăn trở nhất là quản lý đất đai chưa hiệu quả, điều mất đi không chỉ là tiền, nguồn lực phát triển mà lớn hơn là niềm tin của người dân về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, về năng lực và sự công tâm của người quản lý sẽ bị hao mòn, vụn vỡ...

Nhiều vụ việc xử nghiêm được nhân dân đồng thuận, song mấu chốt vấn đề làm sao danh sách những vụ án tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ?!

“Hòn đất mà biết nói năng” có lẽ mọi chuyện đã khác!

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hòn đất mà biết nói năng”…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO