Hơn 53 tỷ đồng để quy hoạch bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La

09/02/2018 13:54

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định 3255/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La đến năm 2020, định hướng 2030.

Hơn 53 tỷ đồng để quy hoạch bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La
Hơn 53 tỷ đồng để quy hoạch bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (Ảnh minh họa)

Theo đó, quy hoạch bảo tồn, phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Mường La có tổng diện tích trên 15.806ha, nằm trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Nậm Păm và Hua Trai, huyện Mường La. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích trên 8.000ha; phân khu phục hồi sinh thái hơn 7.700ha; phân khu dịch vụ hành chính hơn 31ha.

Về phát triển các cơ sở hạ tầng, sẽ tiến hành xây dựng 8 chòi canh lửa rừng; làm mới 60 bảng tuyên truyền; đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy rừng như máy thổi gió, ống nhòm, cưa máy, áo chống nóng… Quy hoạch hệ thống đường tuần tra rừng với chiều dài 30km; xây mới 3 trạm bảo vệ rừng tại 3 xã. Tiến hành cắm 200 mốc ranh giới các phân khu và bên ngoài.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường rừng như du lịch dã ngoại, cắm trại, quan sát thiên nhiên, tuyến thủy điện Sơn La – Nậm Păm – Ngọc Chiến với điểm du lịch sinh thái trọng tâm là xã Ngọc Chiến... Quy hoạch, sắp xếp cho dân cư 15 bản đã sinh sống trước khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên ở khu phục hồi sinh thái.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư quy hoạch hơn 53 tỷ đồng, trong đó hơn 31 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các hạng mục đầu tư: bảo vệ, trồng rừng, bảo tồn các loài động vật quý hiếm, vườn thực vật, mốc ranh giới khu bảo tồn, hệ thống đường tuần tra bảo vệ rừng, bảng nội quy bảo vệ rừng…

Để thực hiện quy hoạch hiệu quả, tỉnh Sơn La sẽ tích cực, chủ động trong việc huy động các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện các dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đe dọa bị tuyệt chủng, đào tạo các chuyên gia bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã…

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững có sự tham gia của người dân theo từng nhóm đối tượng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thường xuyên cập nhật tình hình bảo vệ rừng. Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tạo, nhân giống nhằm bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu cho cán bộ, viên chức khu bảo tồn nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động.

Đề án xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt từ tháng 6/2015. Ngày 07/03/2016, UBND tỉnh có quyết định số 511/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Theo số liệu thống kê, trong khu bảo tồn hiện có 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong danh lục đỏ IUCN 2010, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; sách đỏ Việt Nam 2007.

Hệ động vật, đã thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, trong đó có 51 loài quý hiếm, một số loài có giá trị bảo tồn cao. Đặc biệt, quần thể vượn đen tuyền ở Mường La có khoảng 20-30 cá thể, đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, rừng Mường La còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực như Thủy điện Sơn La, Nậm Chiến...; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho khu vực như điều hòa khí hậu, giảm thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường và giảm xói mòn đất.

Tuy nhiên, trước đây, tại khu vực này còn để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép làm nhà, buôn bán và khai thác lâm sản ngoài gỗ để tiêu dùng. Đây là nguyên nhân làm mất đa dạng sinh học, các loài thực vật bị khai thác cạn kiệt, mất đi sinh cảnh sống tự nhiên của nhiều loài động vật rừng. Ngoài ra, còn tồn tại hàng loạt nguy cơ mất rừng khác như thu nhặt củi, thu hái lâm sản phụ, chăn thả gia súc tự do trong khu bảo tồn, mất rừng do làm đường giao thông, thủy điện, trồng cây thảo quả… Do đó, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La là rất cần thiết nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen động, thực vật tại đây.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 53 tỷ đồng để quy hoạch bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO