Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ

21/08/2017 00:00

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ nhằm phục vụ cho việc...

 

 

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ nhằm phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà đã chủ trì Hội thảo.                 

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà chủ trì Hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc; đại diện lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Dương; đại diện các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo; cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 22/2016/QH ngày 29/7/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Theo đó, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10 năm 2017.

Theo ông Phan Xuân Dũng, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tổ chức Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ. Mục đích của Hội thảo này nhằm cung cấp thông tin cho các đại biểu quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia về chính sách pháp luật vềthực thi công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong thời gian qua; cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý công tác đo đạc và bản đồ; đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ hiện hành nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách pháp luật trong việc nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi mong và tin tưởng rằng, tại Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích, hữu ích để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra tốt dự án Luật, báo cáo với Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chính sách, nhiệm vụ trọng tâm và hiệu quả của dự án Luật đối với công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ ở Việt Nam.” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật Đo đạc và Bản đồ trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Để xây dựng dự án Luật này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thu thập, nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động đo đạc và bản đồ; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về đo đạc và bản đồ của các nước trên thế giới… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức các hội thảo với các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học… đồng thời lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành địa phương; Tổ chức họp và tiếp thu các ý kiến của Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Luật khi được ban hành. Đến nay, Dự án Luật đã hoàn thiện đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Báo cáo những nội dung chính Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam - Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật cho biết, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương với 63 điều. Trong đó, so với Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ, dự thảo Luật có một số nội dung mới, đó là đã tăng cường phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý và tổ chức triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ; quy định về việc tổ chức, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; quy định các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo đạc và bản đồ, tăng cường quản lý năng lực chuyên môn; đảm bảo để mọi tổ chức, cá nhân được tiếp cận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; …

Tại Hội thảo, đã có 7 bài tham luận được lựa chọn trình bày của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Các bài trình bày tập trung vào các vấn đề: Chính sách thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động đo đạc và bản đồ; hiện trạng và cơ chế, giải pháp quản lý, triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ tại địa phương; chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia; hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng hải đồ; mối quan hệ giữa đo đạc và bản đồ phục vụ quốc phòng và phục vụ dân sự; hoạt động đo đạc và bản đồ trong phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia; thực trạng và quy định về công tác chuẩn hóa địa danh; hoạt động xuất bản bản đồ trong ngành giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ ở nước ta còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Hoạt động đo đạc còn chồng chéo; lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm hoạt đo đạc và bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác xã hội hóa còn hạn chế…

Đánh giá nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những bất cập, hạn chế này trong hoạt động đo đạc và bản đồ là chưa có một hành lang pháp lý, hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ đồng bộ, thống nhất; các quy định pháp luật về đo đạc, bản đồ cao nhất mới ở mức Nghị định. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh Trần Văn Thạch cho rằng chính điều này đã dẫn đến hiện tượng quản lý chồng chéo giữa các ngành tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp… với đủ loại chứng chỉ, giấy phép gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động đo đạc bản đồ. Mặt khác, sản phẩm hoàn thành không được giao nộp về một đầu mối để tích hợp, quản lý thống nhất, do vậy thông tin dữ liệu không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu…

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, thống nhất việc quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc, đảm bảo việc quản lý nhà nước và triển khai thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa các cấp, các ngành, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành Luật Đo đạc và bản đồ trong thời điểm hiện tại là yêu cầu rất cấp thiết và cần triển khai thực hiện nhanh chóng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, hiện tại xuất hiện nhiều sản phẩm đo đạc và bản đồ được truyền bá trên thị trường cũng như internet, nhưng Nhà nước chưa xây dựng được chính sách quản lý hữu hiệu với các dạng sản phẩm này, do đó chất lượng, tính chính xác, tính trung thực không được kiểm định đầy đủ. Vì vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giám sát tài nguyên môi trường.

Đề cập đến tầm quan trọng của công tác đo đạc và bản đồ trong hoạt động quân sự, quốc phòng của Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định, trong quân đội, bản đồ là tài liệu chính để nghiên cứu, đánh giá địa hình, vẽ văn kiện tác chiến, bố trí lực lượng, định vị chiến trường…

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã sản xuất được các loại bản đồ giấy, hải đồ điện tử từ tỷ lệ 1/500 đến tỷ lệ 1/2.500.000 có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam và toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, nước ta chưa có quy định Bộ Quốc phòng cung cấp sản phẩm đo đạc vì sản phẩm đo đạc bản đồ của Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù và có tính bảo mật cao. Do vậy, nhằm đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, Bộ Quốc phòng đề nghị, dự án Luật Đo đạc và bản đồ cần phân định rõ ràng phạm vi nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình, tránh tình trạng 02 Bộ đều thực hiện nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình tỷ lệ trung bình và nhỏ, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quy định rõ các loại thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thành lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được cung cấp miễn phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo những quy định riêng của pháp luật, không tổ chức giao nộp về Bộ Tài nguyên và Môi trường tương tự như quy định cho các Bộ, ban, ngành khác.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã và đang phối hợp với một số nước trên thế giới trong việc xây dựng và xuất bản bản đồ. Do vậy, bên cạnh những quy định đối với bản đồ do các cơ quan chức năng của Việt Nam thành lập, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chung liên quan đến việc hợp tác trong đo đạc, thành lập, xuất bản bản đồ giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng như quy định về hoạt động đo đạc, bản đồ của các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ liên quan tới các nội dung về tên gọi của dự thảo Luật; việc chuẩn hóa tên các địa danh khi xây dựng bản đồ; việc phân định rõ phạm vi, nhiệm vụ thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình; việc quy định rõ, các loại thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thành lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được cung cấp miễn phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; xem xét tính khả thi để đảm bảo cải cách hành chính trong cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ…

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Theo Monre

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO